+Aa-
    Zalo

    Thảm họa sóng thần Indonesia: Người dân chật vật tìm cách sinh tồn, bới rác để tìm thức ăn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dân tại nhiều khu vực trên đảo Sulawesi đang chật vật tìm cách sinh tồn khi trợ giúp của chính phủ hiện vẫn chưa đến được tay người bị nạn.

    Người dân tại nhiều khu vực trên đảo Sulawesi đang chật vật tìm cách sinh tồn khi trợ giúp của chính phủ hiện vẫn chưa đến được tay người bị nạn.

    Một đứa trẻ ngủ trên nền đất bên ngoài trại cứu trợ ở thành phố Palu. Ảnh: AP.

    Thành phố Palu và thị trấn Donggala trên đảo Sulawesi là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa động đất, sóng thần hôm 28/9, tại Indonesia.

    Tuy nhiên, nhiều người dân trên đảo Sulawesi cho rằng hàng cứu trợ đều đổ tới thành phố Palu, trong khi họ đang tuyệt vọng vì thiếu lương thực và nước uống.

    "Chúng tôi cảm thấy mình giống như đứa con ghẻ ở đây vì tất cả sự giúp đỡ đều đến Palu", Mohamad Taufik, 38 tuổi, một người dân ở thị trấn Donggala hôm 2/10 nói với AP.

    "Có nhiều đứa trẻ ở đây bị đói và đau ốm nhưng không có sữa và thuốc cho chúng", Mohamad nói thêm. Hiện 5 người thân của anh vẫn mất tích.

    "Mọi người đều đói và muốn được ăn sau vài ngày không có gì vào bụng. Chúng tôi đã cung cấp lương thực nhưng không đủ. Có rất nhiều người ở đây và chúng tôi không thể gắng gượng thêm được nữa", Kasman Lassa, thị trưởng Donggala, nói.

    Sự thất vọng của việc chờ đợi mà không được giúp đỡ khiến những người sống sót trở nên tức giận. "Hãy chú ý đến Donggala, ông Jokowi. Còn rất nhiều ngôi làng đang bị bỏ mặc", một người đàn ông hét lên trên sóng truyền hình địa phương.

    Một thịk trấn phía Bắc đảo Sulawesi bị phá hủy nặng nề sau trận động đất. Ảnh: AP.

    Không riêng thị trấn Donggala, tại những khu vực vùng sâu vùng xa trên đảo Sulawesi, lực lượng cứu hộ Indonesia hiện cũng chưa thể hoàn toàn tiếp cận. Hệ thống thông tin liên lạc đình trệ hoàn toàn, các cây cầu và đường xá bị đánh sập hoặc bị chặn bởi lở đất, khiến công tác thống kê thiệt hại cũng như cứu trợ không thể được triển khai.

    Một trong số đó là Sirenja - thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc đảo Sulawesi. Johnny Lim, chủ một nhà hàng tại đây cho biết: “Thị trấn giờ đã là thành phố ma. Mọi thứ đã bị phá hủy, ở đó không còn lại gì. Chúng tôi hết thức ăn và không có nước sạch, chỉ còn mỗi đôi chân này thôi”. Những ngày qua, Lim sống sót nhờ những quả dừa còn sót lại.

    Thậm chí, tại một số nơi, người dân phải bới rác tại các nông trại hoặc trên các cánh đồng, hy vọng tìm thấy chút dinh dưỡng để cầm cự với cái đói. 

    "Chúng tôi hiện phải dựa vào bất cứ thứ gì tìm thấy ở các trang trại, chia sẻ với nhau mọi thứ như khoai lang hay chuối", Ahmad Dejarat, một người sống sót sau trận động đất, sóng thần hôm 28/9, cho biết. 

    Sutopo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia, cho biết nước này hiện cần các phương tiện vận tải hàng không, lều bạt, hệ thống xử lý nước thải, bệnh viện dã chiến, thuốc men và vật dụng y tế. Indonesia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi hàng cứu trợ nạn nhân vụ động đất, sóng thần.

    "Các đội cứu hộ đang đẩy nhanh công việc, họ đang làm tất cả những gì có thể", Phát ngôn viên Văn phòng nhân đạo Liên Hợp Quốc Jen Laerke cho biết hôm 2/10.

    Thậm chí nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa người dân thiếu cả túi đựng thi thể. Ảnh: AP

    Tính đến ngày 3/10, số nạn nhân thiệt mạng đã được xác nhận trong thảm họa động đất, sóng thần trên đảo Sulawesi đã tăng từ 1.274 lên 1.407 người.

    Nhà chức trách dự đoán số người chết sẽ tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực bị cô lập trong thảm họa. Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN tại Indonesia cho biết nhu cầu túi đựng xác đang "rất cần kíp" bởi e ngại các thi thể phân hủy có thể gây ra dịch bệnh.

    Indonesia là đất nước không xa lạ với thiên tai. Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi có nhiều hoạt động kiến tạo nhất thế giới, địa điểm đầy núi lửa hùng vĩ và đất đai màu mỡ, nhưng 260 triệu người dân quốc gia này rất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần và núi lửa phun trào.

    Một trận động đất lớn năm 2004 đã kích hoạt trận sóng thần khiến 220.000 người trong khu vực, bao gồm 168.000 người ở Indonesia, thiệt mạng.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-hoa-song-than-indonesia-nguoi-dan-chat-vat-tim-cach-sinh-ton-boi-rac-de-tim-thuc-an-a246410.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan