+Aa-
    Zalo

    Thần dược trên đỉnh Ngọc Linh: Hồi sinh sâm trên “đất vàng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dân ở núi Ngọc Linh thấu hiểu sâu sắc giá trị của rừng nên tìm mọi cách để bảo vệ. Với họ, bảo vệ rừng tức là bảo vệ cây sâm.

    Người dân ở núi Ngọc Linh thấu hiểu sâu sắc giá trị của rừng nên tìm mọi cách để bảo vệ. Với họ, bảo vệ rừng tức là bảo vệ cây sâm. Nhờ cây sâm, vùng đồi núi này ngày càng phát triển, thay da đổi thịt...

    Giữ rừng trồng sâm

    Hàng ngày, báo chí vẫn đưa tin về nơi này, nơi kia phá rừng. Nhưng, khi đến núi Ngọc Linh, chắc chắn, mọi người sẽ bất ngờ vì đồi núi vẫn phủ kín cây xanh. Đáng nói, đây là rừng nguyên sinh chứ không phải cây nhỏ, mới trồng. Thi thoảng, lọt thỏm giữa rừng xanh là các thửa ruộng bậc thang. Nhiều đồng bào Xơ Đăng hồ hởi: “Người dân ở đây không phá rừng đâu. Ngày xưa, dân giữ rừng để có nước trồng lúa. Từ ngày biết giá trị của sâm, mọi người lại càng giữ rừng để trồng sâm”.

    Ông Hồ Văn Xuân cho biết, người dân ở vùng này cố gắng giữ rừng.

    Ông Hồ Văn Xuân (làng Tắk Ngo, xã Trà Linh) chia sẻ: “Dân ở đây ai cũng biết, không phải nơi nào cũng có thể trồng sâm. Cây sâm chỉ sống ở độ cao từ 1.200m trở lên và phải có rừng cao che phủ mới giữ được độ ẩm, độ mát cho cây sâm phát triển vào mùa nắng. Ngọc Linh may mắn lắm mới hội tụ đủ điều này”. Khi được so sánh về việc phá và giữ rừng đối với những vùng đất khác, nhiều người Xơ Đăng không ngần ngại chia sẻ: “Bọn mình chỉ phá rừng khi không có việc làm, không có cái ăn. Dân ở đây nhờ trồng sâm sống được mà, tại sao lại phải phá rừng”.

    Tại xã Trà Linh (tỉnh Quảng Nam), làng Tà Lang được gọi là “đất sâm” vì là nơi đồng bào Xơ Đăng biết trồng và bán sâm sớm nhất. Tà Lang không chỉ có độ cao thích hợp mà rừng nguyên sinh vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn. Hai bên đường đi là những hàng cây cổ thụ chen nhau. Theo người dân, trước đây, đất ở Tà Lang trồng sâm rất nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá sâm cao, nhiều người từ miền xuôi lên, tìm mọi cách nhổ trộm. Tà Lang là vùng đất thấp nhất có thể trồng sâm nên “sâm tặc” dễ dàng đột nhập. Tình trạng nhổ xâm xảy ra nhiều nên người dân tìm lên chỗ núi cao, hiểm trở hơn để trồng.

    Phía trên làng Tà Lang là các làng Tắk Ngo, Cam Bin, Măng Lùng. Ở những vùng này, rừng cũng được người dân bảo vệ. Mặc dù Măng Lùng chỉ cách Tà Lang hơn một giờ đi bộ nhưng lại là vùng đáng mơ ước để trồng sâm vì hiểm trở, thời tiết lạnh hơn. “Cách không xa nhưng Măng Lùng có nhiều điều kiện trồng sâm, trộm cũng khó tìm ra cây sâm được dân trồng”, ông Hồ Văn Lang (Bí thư chi bộ thôn 2) chia sẻ.
    Cách đây vài năm, chúng tôi từng lên Ngọc Linh. Từ trung tâm xã đến một số khu vực dù quãng đường không xa lắm nhưng phải lội bộ hơn ngày vì không thể chạy xe vào. Đường lại nhiều dốc ngược, khe sâu. Thế nhưng, đến nay, các con đường này đã được bê tông hóa. Đồng thời, đường ở xã, làng cũng được xây, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

    “Trước đây, người Xơ Đăng cứ nghĩ, con đường nào cũng làm bằng đất, đi đâu cũng phải lội bộ. Thế nhưng, từ khi đường được cấp trên xây, nhiều nhà dân mua xe máy, đi đâu cũng nhanh. Đường xây như là cổ tích của người dân đồng bào”, ông Hồ Văn Hươu cho biết. Cũng theo ông Hươu, sở dĩ đường được bê tông hóa từ khi giá trị sâm được mọi người biết đến và được chính quyền chú ý phát triển.

    Nhờ những con đường bê tông hóa, đồng bào trên núi Ngọc Linh được thông thương, tiếp xúc với nhiều kiến thức hơn. Từ đó, họ có thể cập nhật giá sâm, biết cách trồng, bảo vệ sâm. Trước đây, người dân chỉ biết đến giá trị trước mắt, nhổ sâm từ hai đến ba năm tuổi bán non để lấy tiền. Nhưng, bây giờ, người dân chẳng bao giờ nhổ sâm non, vì giá trị kinh tế thấp. Sâm thấp nhất được nhổ bán là 6 đến 7 tuổi.

    Hồi sinh sâm trên “đất vàng”

    Trước đây, sâm tự nhiên nhiều, người dân tận diệt vì thương lái đến hỏi mua với giá rẻ mạt. Khi biết giá trị thật thì sâm tự nhiên đã cạn, một số người dân tìm cách trồng sâm. Mười năm trôi qua, số hộ dân trồng sâm tăng lên nhanh chóng. Được biết, năm 2014 xã Trà Linh có 110 hộ trồng sâm, đến nay tăng hơn 900 hộ, đăng ký 1.200 héc-ta để trồng sâm.

    Các kỹ sư,công nhân làm việc tại trại giống sâm.

    Do số lượng người và diện tích trồng sâm tăng nên cây giống bị thiếu. Sở dĩ thiếu cây giống vì cây sâm có hạn chế chỉ có thể nhân giống bằng hạt. Để đáp ứng nhu cầu cây giống, đề án phát triển sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My đã lập trại giống Tắk Ngo ở xã Trà Linh được 5 năm.

    Ông Trịnh Minh Qúy – Giám đốc trại giống cho biết, trại giống mở ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất giống sâm Ngọc Linh bền vững, cung cấp giống chất lượng cho việc phát triển sâm tại địa phương. Trại sâm này bên cạnh tạo nguồn cây sâm con cung cấp cho người dân còn là nơi bảo tồn nguồn gien, thực nghiệm, đúc kết kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh nhằm hoàn thiện “công nghệ” nhân trồng loại sâm quý.
    Theo ông Qúy, sâm tự nhiên rất ít khi bị bệnh, nhưng khi được trồng chung thì rất dễ nhiễm bệnh. Gần đây, các kỹ sư của trại phát hiện bệnh thối củ vào mùa mưa, trong khi đó, ở cây sâm, củ có giá trị nhất. Từ đó, các kỹ sư đã tìm ra cách khắc phục bằng cách khơi rãnh. Điều đáng nói, cách khơi rãnh phải phù hợp, không quá sâu và phải tìm cách giữ đất vì đây là khu vực dốc, đất dễ bị dòng nước cuốn theo. Các kỹ sư hạn chế điều này bằng cách dùng thân cây chắn... Ở trại, cây sâm được bón mỗi năm hai lần bằng lá mục, cành gỗ mục để cung cấp chất mùn tự nhiên, tạo lớp mùn phù hợp, độ ẩm cho luống...

    Cây sâm có đặc tính ngủ đông từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau mới “hồi sinh”. Khi ngủ đông, lá trụi hết, sức đề kháng giảm. Đến tháng 2, cây đâm chồi trở lại. Trước đây, không hiểu đặc tính này, người dân trồng cây giống từ tháng 9 đến tháng 10, đây là thời gian ngủ đông nên cây chưa kịp bén rễ thì đã bị trụi lá, thường chết. Nhờ tìm ra đặc tính ngủ đông nên kỹ sư trại giống phổ biến cho người dân, giảm tình trạng cây sâm giống chết.

    Để cây sâm phát triển tốt, các kỹ sư cũng tìm ra cách tưới vào mùa nắng và che chắn luống sâm vào mùa mưa. Họ tìm các loại cành lá xanh ủ cho những luống sâm bị nước từ cành cây trên cao dột xuống vào mùa ngủ đông. Lá xanh khi được ủ trong khoảng thời gian dài sẽ tạo ra độ mùn, chất hữu cơ bón luôn cho cây...

    Tại trại sâm này, cây được trồng khoảng 3 năm sẽ ra hoa, kết trái. Trái sẽ được nhân giống tạo ra cây mới. Riêng cây mẹ được bứng trồng ở một khu riêng vừa để bảo tồn, vừa dùng nghiên cứu. Từ 2013 đến 2016, trại trồng hơn 5,6 héc-ta sâm với 207 nghìn cây, thu được 462 nghìn hạt giống, gieo sống được 124 nghìn cây con. Số cây con này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

    Cần nhắc lại rằng, hiện nay, rất ít đơn vị, tổ chức có khả năng ứng dụng công nghệ bảo tồn, nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh. Ngoài trại giống Tắk Ngo, một số công ty cũng đã bước đầu theo đuổi việc bảo tồn, phát triển cây sâm quý. Đại diện công ty sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết, bước đầu là tập trung những gốc sâm tự nhiên nằm rải rác trong khu vực núi Ngọc Linh về trạm dược liệu. Thời gian đầu, do chưa hiểu đặc tính của cây nên chỉ khoảng 30% sống sót. Tuy vậy, sau khi nghiên cứu, loại bỏ các loại hạt lép, hư, kết hợp với hoán đổi thời vụ gieo hạt, điều chỉnh thời điểm ươm cây, tỉ lệ sống đã tăng lên 70%.

    Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia

    Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Tôm nước lợ, cà phê Việt Nam chất lượng cao và sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là các sản phẩm được bổ sung. Thủ tướng giao bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho từng sản phẩm.

    Huy Cường - Nhâm Thân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/than-duoc-tren-dinh-ngoc-linh-hoi-sinh-sam-tren-dat-vang-a193574.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan