+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/9: Tiết lộ căn bệnh gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/9/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 30/9/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tiết lộ căn bệnh gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm

    VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, bệnh tim mạch là “sát thủ” số 1, gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Đây là một nhóm bệnh ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Trong số những trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch, 85% là do bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não (ví dụ đột quỵ), hầu hết ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.

    Theo các chuyên giam trái tim của mỗi người có kích thước bằng nắm tay và là cơ mạnh nhất trong cơ thể, bắt đầu đập khoảng ba tuần sau khi được thụ thai. Nếu một người sống đến 70 tuổi, trái tim sẽ đập được 2,5 tỷ lần.

    Tuy nhiên, trái tim cũng rất dễ bị tổn thương do các yếu tố nguy cơ từ thói quen xấu như hút thuốc lá, thiếu vận động thể chất, ăn uống không lành mạnh, cholesterol trong máu cao hoặc mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Những yếu tố gây ra bệnh tim mạch không thể thay đổi được bao gồm tuổi, giới tính và di truyền.

    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, ngày Tim mạch thế giới 29/9 là lời nhắc nhở để mọi người hãy chăm sóc trái tim của mình. Chiến dịch năm nay tập trung vào việc hiểu rõ trái tim, vì khi biết nhiều hơn chúng ta có thể chăm sóc tốt hơn.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 3092023 tiet lo can benh gay ra hon 205 trieu ca tu vong moi nam
    Bệnh tim mạch là “sát thủ” số 1, gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Ảnh minh họa

    Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch chuyển hoá và ngày càng có nhiều người mắc. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy sau 2 năm, có 30% bệnh nhân suy tim tử vong, sau 5 năm có 50% bệnh nhân suy tim tử vong.

    Thống kê của Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương ước tính tổng chi phí nhập viện do suy tim ở khu vực này lên đến 48 tỷ USD. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim là 5 đến 12 ngày, khoảng 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày.

    Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch nói chung ở người bình thường, mọi người nên tập thể dục 30-45 phút/ngày; Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh và trái cây; Cần thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng nếu có thể ở nơi làm việc.

    Bên cạnh đó, cần tạo môi trường sạch sẽ, không khói thuốc ở gia đình, công sở và nơi công cộng; Khám sức khỏe định kỳ; Hạn chế uống rượu bia; Duy trì cân năng hợp lý; Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh; Không hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lào…); Tránh căng thẳng và lo âu quá mức.

    Lọc máu liên tục cứu bé trai 10 tháng tuổi

    Theo thông tin trên báo Giao Thông, bé V.M.Đ (10 tháng tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) được chuyển đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ sau 2 ngày điều trị tiêu chảy cấp mất nước tại trung tâm y tế huyện nhưng không tiến triển. Gia đình cho biết, trước đó bé Đ đã sốt cao liên tục trong 3 ngày và có đi ngoài phân lỏng hơn 20 lần/ngày.

    Khi tới Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bé Đ. khó thở, thở nhanh nông, tim nhịp nhanh, mạch quay bắt yếu và bụng chướng căng. Lúc này, bé đã ở trong trạng thái lơ mơ, đi ngoài phân lỏng toàn nước, không có dấu hiệu mất nước. 

    Sau khi vào viện, bé được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả cho thấy có tình trạng rối loạn điện giải nặng kèm toan chuyển hoá nặng.

    Bệnh nhi ngay lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy, kiểm soát không khí, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải. Đồng thời, sau khi tiến hành chọc dịch não tuỷ xét nghiệm, bé Đ được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm màng não mủ, rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, suy hô hấp độ 3.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 3092023 tiet lo can benh gay ra hon 205 trieu ca tu vong moi nam1
    Sau gần 2 tuần điều trị, toàn trạng bênh nhi ổn định và được xuất viện về nhà. Ảnh: Báo Giao Thông

    Sau 1 giờ điều trị, tình trạng toan chuyển hoá cải thiện chậm, bệnh nhi được chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, trẻ hết toan, tình trạng rối loạn điện giải đã được kiểm soát ổn định, trẻ được rút ống nội khí quản và tiếp tục điều trị tình trạng viêm màng não mủ. Đến nay, sau gần 2 tuần điều trị, toàn trạng bênh nhi ổn định và được xuất viện về nhà.

    BSNT Nguyễn Võ Lộc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc khuyến cáo, các triệu chứng sốt, nôn, đi ngoài là các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên đây cũng có thể là những triệu chứng cảnh báo trẻ bị viêm não/màng não.

    Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như sốt, sốt cao liên tục, tiêu chảy (3 lần trở lên trong một ngày) hoặc nôn liên tục, cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

    Cứu sản phụ tiền sản giật mắc sốt xuất huyết nặng

    VOV đưa tin, sản phụ 28 tuổi mang thai lần đầu, bị tiền sản giật, rối loạn đông máu. Sản phụ được chuyển đến khoa Sản Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) trong tình trạng: Mang thai lần đầu, 35 tuần, chuyển dạ đẻ non/ tiền sản giật/ sốt xuất huyết ngày thứ 5 rất nặng (tiểu cầu 8G/l).

    Các bác sĩ mổ lấy thai cấp cứu, đón bé trai, nặng 2500gr, khỏe mạnh. Trong khi đó, tình trạng người mẹ sau khi mổ lấy thai rất nặng, chảy máu ở vết mổ liên tục không cầm và được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực.

    Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng khoa sản Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trên thế giới ghi nhận 4 trường hợp sản phụ mắc sốt xuất huyết nặng/tiền sản giật, trong đó 3 ca đã tử vong, cứu sống 1 ca. Ca thứ 5 là trường hợp sản phụ điều trị tại đây, đã sinh con và được cứu sống sau thời gian vô cùng nguy kịch.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 3092023 tiet lo can benh gay ra hon 205 trieu ca tu vong moi nam2
    Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hà trò chuyện, thăm hỏi sản phụ. Ảnh: VOV

    Với trường hợp này, ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Đây là ca cực kỳ nặng nề và phức tạp, nó thực sự là một cuộc chiến, bởi vì bệnh nhân giảm tiểu cầu nặng, tiền sản giật. Sau khi mổ lấy thai, bệnh nhân chảy máu rất nhiều. Tất cả các vị trí trong ổ bụng, ở vết mổ đều chảy máu liên tục.

    Mỗi ngày, bệnh nhân phải truyền hơn 2 lít chế phẩm máu, bao gồm hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương… Hiện tại, sau thời gian điều trị, bệnh nhân tạm thời có các chỉ số ổn định về đông máu, tiểu cầu trở về bình thường. Các vết mổ không còn chảy máu. Bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và đang được cai thở máy”.

    XEM THÊM: Khối u tủy sống "khủng" suýt làm người phụ nữ liệt vận động

    Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà khuyến cáo, phụ nữ mang thai trong trường hợp không may mắc sốt xuất huyết nên đến ngay cơ sơ y tế có chuyên khoa để điều trị và theo dõi.

    Đặc biệt, các trường hợp có bệnh nền tiền sản giật hay rối loạn động máu… cần phải theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ Hà nhấn mạnh, người mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là phụ nữ mang thai không tự điều trị bệnh tại nhà.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-30-9-2023-tiet-lo-can-benh-gay-ra-hon-20-5-trieu-ca-tu-vong-moi-nam-a593191.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan