+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 22/4/2024: Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 22/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024

    Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca mắc sởi, cũng là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Ca mắc sởi này là bệnh nhi 10 tuổi (ở Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội). 

    Bệnh nhi khởi phát bệnh từ ngày 27/3, đến ngày 12/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với sởi. Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi.

    Năm nay, Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi sớm hơn, cùng kỳ này năm 2023 thành phố chưa có ca mắc sởi nào. Theo chu kỳ bùng phát, năm 2024 được dự đoán có thể xảy ra dịch sởi.

    Đánh giá về điều này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết: "Do tỷ lệ tiêm chủng phòng sởi vừa qua đã đạt tỷ lệ cao nên dự báo nguy cơ đối với dịch sởi là có, nhưng không lớn.

    Trong năm 2023, chúng tôi cũng đã giám sát rất nhiều ca sốt phát ban nghi sởi và không lây lan rộng. Tuy nhiên, ở một số khu vực vẫn có ghi nhận các ca mắc sởi, vì vậy chúng ta không thể chủ quan với dịch sởi".

    Hà Nội vừa ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Ảnh minh họa: VTC News

    Hà Nội vừa ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Ảnh minh họa: VTC News

    Theo đó, với bệnh sởi, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mắc, giảm biến chứng nặng. Trẻ được tiêm mũi 1 từ khi 9 tháng tuổi; tiêm mũi 2 khi trẻ 15-18 tháng tuổi; theo chu kỳ, khoảng 3 năm sau, trẻ có thể được tiêm nhắc lại để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh

    "Với những trẻ đã hết tuổi tiêm vaccine phòng sởi, khi có dịch cần phải tiêm thì sẽ được chỉ định, và việc tiêm cần có chỉ định của nhân viên y tế", ông Khổng Minh Tuấn cho biết. 

    Bên cạnh ca mắc sởi, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 1 ca mắc ho gà, tại Thanh Xuân. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 46 ca mắc ho gà, tại 20 quận, huyện; số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.

    Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 7 ca mắc; giảm 6 ca so với tuần trước; trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 576 ca mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

    Trước tình hình tiếp tục ghi nhận các ca bệnh, Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch.

    Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm ca mắc, nghi mắc bệnh truyền nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời.

    Phẫu thuật cho nữ bệnh nhân bị ung thư phổi di căn

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện K cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn, điều trị đa mô thức giúp kiểm soát bệnh toàn thân, cũng như điều trị khối u di căn vị trí nguy hiểm cho nữ bệnh nhân ung thư phổi.

    Bệnh nhân P.T.TV. (54 tuổi, quê tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) được chẩn đoán ung thư phổi di căn cột sống cổ cao C1, làm hủy thân đốt sống cổ, gây đau và tê tay.

    Với chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn; bệnh nhân V. đã được điều trị hóa chất, trong quá trình điều trị, bệnh tiến triển, di căn lên các đốt sống cổ C1, C2.

    Được nhận định là ca bệnh phức tạp, các chuyên gia hóa chất và xạ trị cũng như phẫu thuật của Bệnh viện K đã hội chẩn rất kỹ càng, bác sĩ đánh giá trường hợp bệnh nhân V. cần được điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa: đầu tiên bệnh nhân cần được điều trị xạ trị cột sống nhằm làm giảm chèn ép, cột sống được cố định tạm thời bằng nẹp cổ, đồng thời được điều trị hóa chất toàn thân.

    Hình ảnh phim chụp trước mổ, u cột sống C2, bệnh nhân đau và yếu, thình thoảng có cơn khó thở do chèn ép tuỷ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Hình ảnh phim chụp trước mổ, u cột sống C2, bệnh nhân đau và yếu, thình thoảng có cơn khó thở do chèn ép tuỷ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Sau 1 tháng, tình trạng khối u phổi được kiểm soát tốt, khối u cột sống cổ cao đã co nhỏ, lúc này bệnh nhân được tiến hành cố định cột sống cổ nhằm giải quyết tình trạng mất vững của người bệnh, phòng ngừa nguy cơ liệt tứ chi.

    "Tổn thương tại vùng đốt sống cổ C1, C2 là những tổn thương khó xử lý, khó can thiệp bởi chứa những trung tâm rất quan trọng của tủy sống và não: Hành tủy, trung tâm hô hấp, vận động tứ chi,... bên cạnh đó cột sống cổ C1C2 còn có vai trò nâng đỡ hộp sọ, đây cũng là thách thức với chúng tôi khi điều trị", TS.BS Nguyễn Đức Liên - Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện K chia sẻ.

    Ngày 12/4, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa và Ths.Bs Nguyễn Thái Học, Ths.Bs Nguyễn Văn Linh đã tiến hành phẫu thuật. Ca mổ được chuẩn bị chu đáo từ việc kê tư thế bởi chỉ cần cúi cổ hoặc ưỡn cổ quá mức cũng có thể làm tổn thương tủy.

    Các bác sĩ đã thực hiện các thao tác rất cẩn thận, can thiệp giải ép tủy sống khỏi chèn ép trước, sau đó nắn chỉnh và cố định cột sống cổ và xương sọ. Sau mổ 4 ngày, người bệnh bắt đầu tập ngồi dậy và tập đi lại, có thể chỉ định dùng thuốc hóa chất duy trì sau 2-3 tuần.

    Bệnh nhân 72 tuổi mắc COVID-19 hơn 613 ngày

    Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, một bệnh nhân 72 tuổi người Hà Lan có hệ miễn dịch yếu đã nhiễm SARS-CoV-2 trong hơn 613 ngày. Tờ TIME hôm 18/4 đưa tin trước khi nhiễm biến thể Omicron vào tháng 2/2022, bệnh nhân đã được tiêm nhiều mũi vaccine COVID-19 nhưng không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

    Các nhà khoa học tại Trung tâm Y học Thực nghiệm và Phân tử của Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết, sau khi phân tích hơn 20 mẫu dịch mũi họng, họ phát hiện virus trong bệnh nhân đã phát triển khả năng kháng sotrovimab, một kháng thể đơn dòng để điều trị COVID-19 giai đoạn đầu.

    Virus sau đó đã có hơn 50 đột biến, với một số loại có khả năng né miễn dịch. Bệnh nhân đã qua đời vào cuối năm 2023 do hệ miễn dịch yếu và rối loạn máu mạn tính, theo New York Post.

    Bệnh nhân người Hà Lan mắc COVID-19 hơn 613 ngày. Ảnh minh họa: People

    Bệnh nhân người Hà Lan mắc COVID-19 hơn 613 ngày. Ảnh minh họa: People

    Theo các nhà nghiên cứu, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trong 20 tháng là thời gian dài nhất từng được biết đến. Mặc dù virus từ người bệnh không được phát hiện là đã lây nhiễm cho người khác, trường hợp này đã nhấn mạnh khả năng virus sẽ có những thay đổi di truyền khi thời gian lây nhiễm kéo dài, từ đó sinh ra các biến thể mới đáng lo ngại.

    “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giám sát bộ gene về quá trình tiến hóa của virus ở những người bị suy giảm miễn dịch và bị nhiễm trùng kéo dài”, nhóm nghiên cứu nói.

    Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu dữ liệu gene được thu thập từ các mẫu nước thải. Những báo cáo cho thấy, bằng chứng về việc virus thu thập được đã ngày càng đột biến hơn 4 năm. Nghiên cứu chỉ ra tình trạng nhiễm trùng dai dẳng cũng có thể khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-22-4-2024-ha-noi-ghi-nhan-ca-mac-soi-au-tien-trong-nam-2024-a415846.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan