+Aa-
    Zalo

    Tổng Bí thư: Nhất định không nhân nhượng với Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – "Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 1/7.

    (ĐSPL)– "Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 1/7.

    Sáng 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ - Hà Nội. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ rất nhiều suy nghĩ và quan điểm xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

    Cử tri Hà Nội: Phải bớt hội họp để ủng hộ các chiến sĩ biển đảo
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri.

    Cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ) nhận định: “Kể từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc vẫn ngoan cố duy trì giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vẫn liên tiếp có các hành động hung hăng trên Biển Đông. Chúng tôi nhất trí với quan điểm, chủ trương của Đảng là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng nhất định phải bình tĩnh, kiên trì góp phần làm thất bại âm mưu bá quyền của Trung Quốc”.

    Cử tri Hà Nội: Phải bớt hội họp để ủng hộ các chiến sĩ biển đảo
    Cử tri Phạm Văn Tá bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

    Cử tri Phạm Văn Tá cho rằng, Trung Quốc là một nước đông dân và có nền kinh tế rất mạnh, vì vậy, cuộc đấu tranh với một đất nước như thế chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta rất cần có sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới và dư luận quốc tế và để có được điều đó, chúng ta phải làm sao cho nhân dân thế giới thấy được một chân lý rằng, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiều đời nay đã được nhân dân ta gìn giữ và sinh hoạt thường xuyên. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép và các tàu công vụ đến đây là một sai lầm rất lớn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

    “Dù Việt Nam đã kiên trì đấu tranh bằng con đường ngoại giao trên rất nhiều mặt trận, nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên khiêu khích các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên thực địa. Trước tình hình đó, chúng ta vẫn hết sức kiềm chế, không vì cái nhỏ mà làm hại cái lớn, chúng ta kiềm chế nhưng luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền” – ông Tá góp ý.

    Đề xuất các biện pháp để góp phần giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông, ông Phạm Văn Tá đề nghị tiếp tục tuyên truyền và làm rõ tội ác của Trung Quốc, cần vạch tội Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đâm hỏng các tàu thực thi pháp luật và làm bị thương các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Chưa kể đến việc, Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đến năm 1988 lại chiếm đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa…

    “Về lâu dài, chúng ta cần ổn định nền kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, gắn an ninh với quốc phòng, cần tập trung đẩy mạnh hướng về biển đảo, có các hành động cụ thể như tiết kiệm chi tiêu, bớt hội họp không cần thiết để ủng hộ chiến sĩ biển đảo, tiết kiệm chi tiêu để đóng tàu lớn, làm dụng cụ phục vụ nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước…” – cử tri Phạm Văn Tá kiến nghị.

    Đúc kết lại quan điểm của mình, ông Tá khẳng định: “Có câu “Khó một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nếu chúng ta biết dựa vào nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân thì  chúng ta chắn chắn sẽ chiến thắng”.

    Đồng tình với các kiến nghị của ông Tá, cử tri Bùi Đức Thập (phường Xuân La) cũng bổ sung thêm: “Tôi cho rằng báo chí nước ta nên mổ xẻ phân tích các động thái của Trung Quốc để thấy được sự sai trai của nước này, để thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng với “4 tốt và 16 chữ vàng”.

    Cho rằng việc tuyên truyền ở các vùng biển đảo chưa thực sự có hiệu quả, cử tri Bùi Đức Thập cho rằng “Chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời phải có bản kiến nghị gửi tới các quốc gia trên thế giới, có công hàm để toàn thế giới nước nào cũng biết đến hành động sai trái và phi lý của Trung Quốc. Về mặt pháp lý, chúng ta nhất định phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.

    Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Vấn đề giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông là một vấn đề phức tạp và lâu dài. Chúng ta phải chủ trương chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác cùng phát triển với người láng giềng Trung Quốc nhưng chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc. Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng”.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định, Trung Quốc bằng mọi cách đang muốn thực hiện hóa "đường lưỡi bò", thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp tất cả dư luận cả thế giới và việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vì vậy, Việt Nam nhất định phải cử xử sao cho thận trọng, khéo léo, chủ quyền quốc gia là một vấn đề lớn, nếu sai một ly sẽ đi một dặm.

    “Chúng ta không mong chiến tranh xảy ra, nhưng nếu có chiến tranh, chúng ta luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi phản ứng” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-bi-thu-nhat-dinh-khong-nhan-nhuong-voi-trung-quoc-a39019.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan