+Aa-
    Zalo

    Từ vụ 13 học sinh dương tính với ma túy sau khi ăn kẹo lạ, phụ huynh cần làm gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện nay ma túy tồn tại dưới nhiều dạng tinh vi, không chỉ là hút, chích, viên nén, dạng bột mà còn được trá hình dưới dạng trà sữa, bánh kẹo... rất khó nhận biết.

    5 học sinh có kết quả dương tính với ma túy

    Thông tin với báo chí, đại diện Trường THPT Hoành Bồ (Tp.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ vụ việc 13 học sinh của trường có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc.

    tu vu 13 hoc sinh duong tinh voi ma tuy sau khi an keo la phu huynh can lam gi dspl 1

    Cụ thể, vào lúc 7h45 ngày 25/10, trong thời gian diễn ra lễ chào cờ đầu tuần, 1 học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Tiếp đó, có thêm 12 học sinh có biểu hiện tương tự. Ngay khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường cùng tổ y tế đã sơ cứu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.

    Qua rà soát nhanh cho thấy, các học sinh trên cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc (màu xanh, có in chữ nước ngoài) do một học sinh nam trong lớp mang đến.

    Nhà trường đã báo cáo các cơ quan chức năng đồng thời phối hợp với Công an Tp.Hạ Long lập biên bản sự việc, niêm phong gói kẹo học sinh đã sử dụng và xác minh các thông tin liên quan để phục vụ điều tra.

    Bệnh viện Đa khoa Hạ Long cho biết đến thời điểm này, bệnh viện đã tiếp nhận 13 học sinh đều có biểu hiện kích thích, buồn nôn. Sau khi cơ quan công an làm test nhanh cho kết quả 5 học sinh dương tính với ma túy (THC-cần sa).

    Hiện sức khỏe của các học sinh trên đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long. Hiện sức khỏe của các học sinh trên đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

    Thực tế hiện nay sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa các chất cấm, chất gây nghiện đã khiến việc ngăn chặn các sản phẩm này xâm nhập và gây hại cho môi trường học đường gặp nhiều khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn.

    Ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ

    TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa có tên là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà...

    Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái một cách lạ thường. Nhưng mặt khác, nó khiến người sử dụng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém, khó tập trung, nhịp tim nhanh hơn, mất tập trung vào công việc khác.

    Những ảnh hưởng này thường làm người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ. Tiến sĩ Hùng cho biết, trước đó, ông từng điều trị cho một nam sinh là Việt kiều Canada bị nghiện cần sa do thường xuyên ăn bánh, kẹo chứa cần sa.

    Sự phát triển liên tục và không ngừng của đời sống xã hội, sự du nhập của các “trào lưu thời thượng”, sự tinh vi của các đối tượng buôn bán, vận chuyển kinh doanh các sản phẩm có chứa chất cấm, đã gây nên nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm này vào đời sống học đường. Người ta thường nói: “Không có nguy hiểm nào bằng nguy hiểm ẩn mình”. Vậy nên, đây chính là hiểm họa đáng sợ nhất, khi không biết “kẻ thù” là ai thì thật khó để đề phòng và đấu tranh.

    Để bảo vệ chính con em mình, gia đình nên gần gũi để hiểu được tâm lý, cũng như nắm bắt các hoạt động vui chơi, ăn uống của trẻ, hạn chế cho trẻ ăn vặt trong trường học. Đặc biệt cần sớm nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của trẻ để kịp thời can thiệp. Khi thấy các em có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngày ngủ, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị... thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn phòng ngừa, điều trị; hoặc phát hiện có những hành vi, biểu hiện liên quan đến ma túy, cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

    Về phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi chế độ ăn, ngủ nghỉ và sinh hoạt chung của các em để nắm bắt thông tin và can thiệp kịp thời khi có những sản phẩm lạ, biểu hiện lạ của học sinh trong lớp.

    Bên cạnh đó, quan trọng nhất, chính là nhiệm vụ nâng cao nhận thức của mỗi học sinh về tác hại của các chất gây nghiện cũng như các sản phẩm chứa chất gây nghiện “đội lốt” bánh kẹo nơi cổng trường.

    Khả năng “biến hóa” trà trộn của các sản phẩm nguy hại trên càng tinh vi, vai trò và trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng càng phải được nêu cao, luôn cảnh giác và cập nhật, đón đầu thông tin, hạn chế những cơ hội mà kẻ gian lợi dụng để trao đổi chất cấm.

    Xử phạt 2 triệu đồng quán cà phê liên quan gói kẹo "lạ"

    Liên quan đến sự việc trên, lực lượng chức năng TP.Hạ Long đã nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nguồn gốc thực phẩm mà các học sinh đã ăn.

    Qua xác minh nhanh với lực lượng chức năng, học sinh M.T.S. (người đã chia kẹo cho các học sinh khác cùng ăn) cho biết đã lấy số kẹo trên tại nhà người chị họ bán quán cà phê 1998 (thuộc tổ 5, khu Trới 3, phường Hoành Bồ, Tp.Hạ Long) do bà Hoàng Thị Dung làm chủ cơ sở.

    Ngay sau đó, phòng Y tế Tp.Hạ Long đã thành lập đoàn kiểm tra cơ sở nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở trên có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 92/2020 do UBND Tp.Hạ Long cấp.

    Ngoài ra, đoàn phát hiện cơ sở trên có 3 người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm. Người trực tiếp chế biến thức ăn không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay. Cũng tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện loại kẹo Nerds Rope tại cơ sở kinh doanh - loại kẹo các học sinh trên đã ăn.

    Loại gói dạng thanh (giống kẹo dẻo) mà cháu M.T.S và các bạn ăn là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ.

    Lực lượng chức năng Tp.Hạ Long đã lập biên bản xử phạt quán cà phê 1998 vi phạm hành chính, hành vi: Người trực tiếp chế biến thức ăn không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, mức xử phạt 2 triệu đồng.

    Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực chất vụ việc 13 học sinh nhập viện do ăn “kẹo lạ” là vụ ngộ độc thực phẩm chức năng, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Công an Tp.Hạ Long phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.

    Minh Hoa (t/h)

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (174)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-13-hoc-sinh-duong-tinh-voi-ma-tuy-sau-khi-an-keo-la-phu-huynh-can-lam-gi-a517652.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan