+Aa-
    Zalo

    Vì sao đợt dịch Covid-19 lần này lây lan rộng kéo dài?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt lần này vẫn lây lan rộng, kéo dài là do biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh.

    Biến thể Delta khiến dịch Covid-19 lây lan rộng, nhanh

    Theo Bộ trưởng bộ y tế, loại virus này phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.

    Người đứng đầu ngành y tế cho biết, qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát.

    Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

    Theo Bộ trưởng Long, mặc dù một số địa phương triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số người mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian ngắn, điều này cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

    Bên cạnh đó việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

    vi sao dot dich covid 19 lan nay lay lan rong keo dai 01
    TP.HCM trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ (Quốc Việt - HCDC).

    Xét nghiệm thần tốc, đưa F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất

    Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, hội nghị sơ kết trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 vừa qua, ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đưa ra hàng loạt giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đẩy mạnh triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm.

    Những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định; nếu không đạt hiệu quả, áp dụng các biện pháp cao hơn.

    Cùng với đó là thực hiện xét nghiệm thần tốc, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

    Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn để từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan rộng hơn.

    Áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình 3 tầng của Bộ Y tế.

    Ban Chỉ đạo lưu ý việc tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng.

    Đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu... Chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổng thể về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn để nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có vắc-xin.

    Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề cập đến việc đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, minh bạch thông tin để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động, vận động người dân tự giác tham gia vào công tác phòng, chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng, mất cảnh giác trước diễn biến của dịch bệnh.

    Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; không để đứt gãy các chuỗi sản xuất tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.

    vi sao dot dich covid 19 lan nay lay lan rong keo dai 02
    Các địa phương kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19.

    Thực hiện giãn cách phải triệt để

    Để việc phòng chống dịch hiệu quả hơn, Bộ trưởng bộ Y tế rút ra 9 bài học kinh nghiệm cho các địa phương.

    Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

    Thứ hai, huy động sức dân, xác định đúng vai trò "mỗi người dân là một chiến sỹ" trong cuộc chiến phòng, chống dịch.

    Thứ ba, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị 16 ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân.

    Thứ tư, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng.

    Thứ năm, công tác điều trị phải chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao.

    Thứ sáu, đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.

    Thứ bảy, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật.

    Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị, hồi sức tích cực.

    Thứ chín, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược "ngoại giao vaccine".

    M.Vy (T/h)

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (132)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-dot-dich-covid-19-lan-nay-lay-lan-rong-keo-dai-a511368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Italy viện trợ 801.600 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam

    Italy viện trợ 801.600 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam

    Ngày 25/8, Chính phủ Italy đã quyết định tài trợ 801.600 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19. Dự kiến số vaccine này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam vào đầu tháng 9 tới đây.