+Aa-
    Zalo

    Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải thực hiện theo lộ trình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây sốc cho thị trường lao động,...

    Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây sốc cho thị trường lao động, tạo tâm lý tốt hơn cho cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.

    Tăng tuổi theo lộ trình

    Ngày 21/5 vừa qua, tại Hà Nội, báo Nhân Dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến, với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp”.

    Tại buổi giao lưu, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH cho biết, không chỉ Việt Nam, mà hầu hết các nước đều đặt ra lộ trình nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Đồng thời, chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai; bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu; bảo đảm phù hợp sức khỏe, nhu cầu của người lao động cũng như bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH.

    Toàn cảnh hội thảo.

    Ông Diệp nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây sốc cho thị trường lao động; tạo tâm lý tốt hơn cho người lao động cũng như người sử dụng lao động”.

    Giải thích về việc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam thêm 2 năm nhưng lao động nữ lại lên đến 5 năm, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: “Lý do là việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Theo lộ trình này, đến năm 2036, người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Năm 2021, người phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55 tuổi 3 tháng và đến năm 2029 sẽ có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62. Như vậy, thời gian nâng tuổi nghỉ hưu dài, bắt đầu từ năm 2021, chứ không phải ngay lập tức. Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, nam tăng lên 2 năm vì muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu”.

    Ông Diệp cũng thông tin thêm, bộ LĐ-TB&XH đã tham gia một số cuộc điều trần của Chính phủ Việt Nam trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ. Theo đó, tại những cuộc điều trần này, có rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam và nữ phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. "Các đề xuất này cũng đã được tham khảo từ các nước. Theo đó, ở các nước, đầu tiên thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, sau đó điều chỉnh cho bằng nhau. Đó là lý do trong dự thảo Bộ luật Lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam nâng dần lên 62", ông Diệp nói.

    Cân nhắc với một số ngành nghề đặc thù

    Thông tin về tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung, lao động nam và lao động nữ nói riêng, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết: Theo thống kê, tuổi nghỉ hưu bình quân của NLĐ nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi.

    Cũng chia sẻ ý kiến về việc người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu do quan ngại không đủ sức khỏe, cũng như lo lắng việc chủ doanh nghiệp không nhận lao động lớn tuổi, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) khẳng định, trong Luật có quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động vào năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 60 tuổi. Đây là tuổi nghỉ hưu bình quân nói chung của tất cả người lao động, trong đó có cả các đối tượng là công chức viên chức.

    “Người lao động trực tiếp thuộc ngành nghề đặc thù đã khó khăn trong việc bảo đảm công việc khi vào giai đoạn tuổi cao, nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động này sẽ tăng thêm khó khăn đối với họ. Theo đó, dự thảo Bộ luật Lao động đã cân nhắc đến vấn đề này và có ghi rõ một số ngành nghề đặc thù sẽ thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung. Vì vậy, cần đưa ra lộ trình cho những công nhân thuộc nhóm ngành nghề độc hại để họ được hưởng hoặc lựa chọn tuổi nghỉ hưu thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung”, ông Quảng cho hay.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viec-tang-tuoi-nghi-huu-phai-thuc-hien-theo-lo-trinh-a276767.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan