+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đăng cai ASIAD 18: “Cần tổ chức Hội nghị Diên Hồng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều quan điểm cho rằng ngành thể thao cần tổ chức một, thậm chí nhiều “Hội nghị Diên Hồng” lấy ý kiến về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD 2019.

    (ĐSPL) - Nhiều quan điểm cho rằng ngành thể thao cần tổ chức một, thậm chí nhiều “Hội nghị Diên Hồng” lấy ý kiến đại đa số người dân về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD 2019.
    Chiều ngày 8/11/2013 trong phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macao, Chủ tịch OCA đã thông báo kết quả chính thức của cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) lần thứ 18 năm 2019. Theo đó Việt Nam đã vinh dự được chọn là nước chủ nhà của Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18. Đây mới là lần đầu tiên chúng ta được trao quyền đăng cai một kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục.
     Đại diện Việt Nam nhận quyền đăng cai ASIAD 18.  
    Trước đó để giành chiến thắng, Việt Nam đã trải qua cuộc đua quyết liệt đến phút chót với Indonesia và UAE. Các đối thủ nói trên đều đưa ra nhưng lợi thế lớn so với chúng ta. Thậm chí, ngay trước phiên họp có tính quyết định, Chủ tịch ủy ban Olympic Indonesia, bà Rita Subowo còn mạnh miệng tuyên bố với báo chí rằng, “quyền đăng cai giải đấu này gần như đã nằm chắc trong tay của Indonesia!”. Nói thế để thấy việc giành quyền đăng cai ASIAD 2019 là một kỳ tích ngoài mong đợi với Việt Nam, ít nhất là ở góc độ đua tranh.
    Tuy nhiên sau đó chính việc “Việt Nam được tổ chức ASIAD năm 2019” lại đang là đề tài được bàn tán sôi nổi trên mọi diễn đàn, từ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đến các trang mạng cá nhân, từ các cá nhân đến những tổ chức có uy tín... Người bảo đây là niềm vinh dự, là niềm vui lớn lao không chỉ của những người làm thể thao, mà còn là của cả dân tộc. Kẻ thì lại cho rằng, việc tổ chức giải đấu này rất tốn kém, không thiết thực và rằng, Việt Nam còn nghèo, trình độ thể thao và khả năng tổ chức chưa đáp ứng được với một giải đấu lớn như vậy, v.v và v.v… Những ý kiến trái chiều đối chọi nhau chan chát, ai cũng ra sức bảo vệ luận điểm của mình từ nhiều góc độ khác nhau...
    Hiện sự kiện quan trọng này đang rất được dư luận quan tâm bởi lợi ích nó đem lại cho đất nước trên nhiều phương diện là rất to lớn, nhưng cũng phải tính lợi ích kinh tế trước mắt và lâu dài. Mới đây, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã quả quyết: “Một đồng tiền của dân cũng là quý, nhưng tôi cho rằng 150 triệu USD không lớn so với những lợi ích chúng ta thu được. Nó cũng không lớn so với những khoản lãng phí khác!...”.
    Ông Giang cũng nhận định nếu rút lui, Việt Nam sẽ mất rất nhiều thứ, nhất là sau khi chúng ta đã mất nhiều công sức, vượt qua nhiều đối thủ mạnh mới giành quyền đăng cai và không bao giờ có cơ hội tổ chức ASIAD nữa.
     Việt Nam vẫn chưa chắn chắn sẽ đăng cai ASIAD 18.
    Tại phiên giải trình vừa qua của Chính phủ, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng chỉ kết luận là chúng ta cần làm như thế nào cho tiết kiệm, hợp lý. Chủ tịch Ủy ban, ông Đào Trọng Thi đã nói: “Vấn đề quan trọng lúc này là giám sát việc phân bổ nguồn lực tài chính, giám sát đầu tư một cách chặt chẽ, hiệu quả để tổ chức ASIAD thành công, tiết kiệm!”.
    Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban này của Quốc hội, cho rằng chúng ta nhắc nhiều đến cơ hội nhưng vấn đề là chúng ta có đủ năng lực để đón nhận và tận dụng cơ hội đó không. “Nếu không xã hội hóa được thì đây vẫn là khoản đầu tư nặng nề cho ngân sách quốc gia. Chúng ta còn thiếu rất nhiều trường học, bệnh viện, thiếu những cây cầu cho vùng sâu, vùng xa, những thứ thiết yếu hơn nhiều” - ông Thuyết băn khoăn.
    Cuộc tranh luận về một trong những sự kiện rất được người hâm mộ thể thao nước nhà quan tâm trong những năm gần đây, nếu không nói là được quan tâm nhất, vẫn chưa đến hồi kết. Trong bối cảnh đó, nhiều người cho rằng  ngành thể thao cần tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” lấy ý kiến của đại đa số người dân về vấn đề quan trọng này.

    Quan điểm trái chiều về đăng cai ASIAD 18 

    Những lập luận của người ủng hộ: ASIAD 18 không chỉ khẳng định vị thế chính trị, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, nó còn là cơ hội hết sức quý giá để quảng bá hình ảnh đất nước; thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các địa phương góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đất nước, nhân dân được hưởng thụ một sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất châu lục và những giá trị của các công trình phúc lợi về TDTT, nâng cao sức khỏe và giải trí lành mạnh, hạn chế tiêu cực xã hội…

    Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Đoàn Thao khẳng định: “Nếu bỏ qua cơ hội này thì không biết bao giờ Việt Nam mới có cơ hội! Sự kiện này đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ riêng về chính trị, kinh tế mà còn trên lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đó là niềm tự hào và vinh dự của mọi người Việt Nam!”.

    Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ: “Trong thời điểm này xuất hiện sự băn khoăn là điều dễ hiểu và chính đáng. Tuy nhiên, những băn khoăn đó chúng ta hoàn toàn có thể xử lý và khắc phục được. Bởi vì, kinh phí bỏ ra ban đầu không mất đi, toàn bộ cơ sở hạ tầng vẫn là của chúng ta...”.

    Được biết, các công trình sắp được xây mới gồm: 10 SVĐ, 2 cụm bể bơi, 4 trường bắn súng, bắn cung, 25 NTĐ đã có, 3 NTĐ đang xây dựng, 3-4 công trình thi đấu dự kiến xây dựng thêm, 7 sân thi đấu lần xây mới, 1 làng VĐV ASIAD (dự kiến xây dựng tại Gia Lâm, Hà Nội theo phương án xã hội hóa).

    Những ý kiến băn khoăn, phản bác: Việt Nam đăng cai ASIAD 18 trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang suy thoái như hiện nay, ngân sách chi cho việc tổ chức giải đấu là 150 triệu đô la Mỹ thì quá eo hẹp. Mà với chỉ nguồn kinh phí này thôi, người ta cũng đã lo BTC sẽ lấy được từ đâu và sẽ sử dụng nó ra sao?

    Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây của chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đưa ra những ý kiến hồi đáp khá cụ thể về vấn đề đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, một số chuyên gia, trong đó có cả những người đã và đang giữ những trọng trách trong ngành thể thao lại chưa hoàn toàn đồng tình với lời giải đáp đó. Họ cho rằng, trong tình hình kinh tế suy thoái chung như hiện nay, điều gì sẽ xảy ra trong 7 năm tới? Liệu lúc đó 150 triệu đô la có còn giá trị như hiện nay, hay là bằng 400 – 500 triệu? Những bài học về việc tổ chức các sự kiện thể thao hàng đầu thế giới của một số nước rất đáng để chúng ta quan tâm rút kinh nghiệm. Điển hình là việc nền kinh tế của Hy Lạp đã suy sụp ra sao, nợ nần chồng chất như thế nào sau khi quốc gia này tổ chức EURO và Olympic 2004!?

    Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu lên tiếng: “Cách đây 2 năm, khi Việt Nam tiếp nhận quyền đăng cai ASIAD 18, cá nhân tôi với tư cách là một lãnh đạo cũ của ngành TDTT đã phát biểu trên báo, đại ý không nên đăng cai kỳ Á vận hội này vì kinh phí tổ chức sự kiện tầm cỡ châu lục như vậy vượt quá sự chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau 2 năm, tôi vẫn bảo lưu ý kiến đó! Chúng ta không phản đối việc đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, TDTT tầm cỡ quốc tế vì đấy là cơ hội nâng cao tầm vóc, uy tín và vị thế đất nước nhưng như đã nói, phải hợp thời điểm và được người dân cả nước chấp thuận…”.

    Vấn đề “hậu Đại hội” cũng được nhiều người quan tâm. Đã có quá nhiều lời phàn nàn về chất lượng một số công trình được xây dựng phục vụ cho SEA Games 22, sự yếu kém trong việc quản lý, bảo quản và đưa vào sử dụng chúng cho những mục đích dân sinh. Một số dự án xây dựng phục vụ cho Đại hội gần như sẽ không còn tác dụng sau sự kiện, điển hình là nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo, một môn mà ngay cả VĐV thành tích cao chúng ta vẫn chưa có, nói chi đến việc người dân tham gia tập luyện.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-dang-cai-asiad-18-can-to-chuc-hoi-nghi-dien-hong-a29070.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan