+Aa-
    Zalo

    Xét xử ông Tất Thành Cang và đồng phạm: Bị cáo Trần Công Thiện khai gì?

    (ĐS&PL) - Bị cáo Trần Công Thiện khai, đối với dự án Phước Kiển không nhớ ai đã cung cấp thông tin cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, mà chỉ nhớ đơn vị này có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.

    Chiều 10/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - gọi tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm liên quan vụ bán rẻ 2 dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và Ven Sông (quận 7).

    Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Công Thiện thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng nêu. Ông Thiện bị cáo buộc là người có vai trò cầm đầu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng đất tại cả hai dự án trên, gây thiệt hại tổng cộng 730 tỷ đồng.

    xet xu tat thanh cang va dong pham bi cao tran cong thien khai gi
    Bị cáo Trần Công Thiện. Ảnh: VnExpress

    Tại phiên xét xử, ông Thiện khai, ở dự án Khu dân cư Phước Kiển, Công ty Tân Thuận đã quyết tâm lấy về làm nhưng không đủ "lực" thực hiện. "Công ty Tân Thuận chỉ có 160 tỷ đồng vốn điều lệ và đang đầu tư 15 dự án, trong khi tổng chi phí dự trù của dự án trên đã là 6.500 tỷ đồng", ông Thiện nói và cho biết, khi nhận được đề xuất hợp tác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Tổng giám đốc) đã xin chủ trương của cấp trên.

    Đặc biệt, Trần Công Thiện khai, đối với dự án Phước Kiển bị cáo không nhớ ai đã cung cấp thông tin cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, mà chỉ nhớ đơn vị này có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.

    "Khi Quốc Cường Gia Lai đề nghị đầu tư với tỷ lệ 75/25, bị cáo mới về xem lại năng lực công ty, bị cáo thấy có nhiều dự án tiềm năng nên muốn hợp tác", bị cáo Thiện trình bày.

    Theo Trần Công Thiện, ban đầu Công ty Tân Thuận đề nghị hợp tác với Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ 70/30 rồi trình lên chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP.HCM xem xét. Sau đó, Công ty Tân Thuận đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích hơn 324.000 m2 trị giá hơn 419 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai.

    Bị cáo Thiện thừa nhận biết dự án Khu dân cư Phước Kiển là tài sản của Nhà nước, nhưng khi chuyển nhượng chỉ thực hiện theo Luật Đất đai mà không áp dụng Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017.

    Đối với dự án Ven Sông, bị cáo Thiện khai chuyển nhượng dự án trái quy định là lỗi của Công ty Tân Thuận. Khi hợp tác dự án Ven Sông, Công ty Tân Thuận có báo cho Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai yêu cầu chuẩn bị nguồn vốn để triển khai dự án nhưng được báo lại không có vốn.

    Theo bị cáo Thiện, Công ty Tân Thuận không thể có nguồn vốn đầu tư mà Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hối thúc, đề xuất chuyển nhượng. Công ty Tân Thuận phân công các phòng, ban xem xét và chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, thiệt hại 532,4 tỉ đồng.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-ong-tat-thanh-cang-va-dong-pham-bi-cao-tran-cong-thien-khai-gi-a553780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan