+Aa-
    Zalo

    Xúc động nghẹn ngào giây phút chiến sĩ đầu tiên vào được hầm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Lúc đầu mới vào cũng sợ nhưng nghĩ đến các nạn nhân kẹt ở trong suốt nhiều ngày, tự tin hẳn lên, quyết tâm đào càng nhanh càng tốt", chiến sĩ công binh chia sẻ

    (ĐSPL) - Những chiến sĩ công binh thuộc Lữ đoàn công binh 293 luôn nở nụ cười rạng rỡ sau khi giải cứu thành công các nạn nhân vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng (Lâm Đồng). 
    Theo tin tức từ Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh là người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy lực lượng cứu hộ trong hầm. Đại tá Hùng cho biết các lực lượng có liên quan của quân đội là hơn 300 cán bộ, chiến sỹ. Lực lượng thi công ngách hầm trái là 110 chiến sỹ của Lữ đoàn công binh 293. Đây là Lữ đoàn chủ lực đào hầm để giải cứu 12 công nhân mắc kẹt bên trong.

    Đại tá Nguyễn Hữu Hùng phấn khởi sau khi giải cứu thành công 12 công nhân. (Ảnh: Dân trí).

    Đại tá Hùng chia sẻ: "Chúng tôi vào sau 2 ngày so với các lực lượng đầu tiên. Chúng tôi đề xuất phương án đi mở theo đường ngắn nhất và có thể nói khu vực của công binh là khó khăn nhất.
    Chúng tôi bằng các phương pháp thi công khoa học và có một số biện pháp truyền thống như phương pháp “hầm trong cát” nên quá trình thi công đã khắc phục được khó khăn ban đầu trong điều kiện mực nước ngầm rất cao, đất đá phong hóa nặng. Một điều phấn khởi là phương án của công binh đề xuất thì được Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý
    Nhờ có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, UBND tỉnh Lâm Đồng thì lực lượng công binh vững tin đưa ra các giải pháp để tìm con đường ngắn nhất, bằng biện pháp tốt nhất để hoàn thành khối lượng công việc, đưa nạn nhân ra".
    Xem video: 
    Cảm xúc của nạn nhân và người nhà sau vụ sập hầm Đạ Dâng

    Chia sẻ với PV VnExpress, binh nhất Hoàng Văn Thảo, người cuốc những mẻ đất cuối cùng để thông hầm, giải cứu các công nhân cho biết: "Chỉ còn một tháng nữa tôi ra quân. Đây là niềm vui lớn nhất trong đời tôi".

    Binh nhất Hoàng Văn Thảo cho biết chỉ còn 1 tháng sẽ ra quân, đây là niềm vui quá lớn. (Ảnh: VnExpress).

    Trước đó, nhận được lệnh ứng cứu 12 người đang mắc kẹt sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), những chiến sĩ xứ biển thần tốc hành quân lên cao nguyên để thực hiện nhiệm vụ đào hầm xuyên núi, cứu người.
    Ê kíp của anh Thảo gồm 10 người vừa nhận nhiệm vụ thay ca đào cho các đồng đội, lúc 2h và là lần đầu tiên vào hầm sau một ngày đến hiện trường. Căn hầm nhỏ hẹp, nước ngầm luôn chảy xuống nên công việc của các chàng công binh khá khó khăn. Chỉ với cuốc, xẻng, xà beng cùng một số máy móc, các anh vừa đào vừa gia cố kè để tiến sâu vào khu vực có các nạn nhân.
    "Lúc đầu mới vào cũng sợ nhưng nghĩ đến các nạn nhân kẹt ở trong suốt nhiều ngày, chúng tôi tự tin hẳn lên, quyết tâm đào càng nhanh càng tốt", chiến sĩ Lý Xuân An nói.
    Lúc này ở ngách hầm bên phải, đội thợ mỏ thuộc trung tâm cứu hộ Vinacomin vẫn miệt mài với công việc và đường hầm đã sâu gần 20 mét. Dự kiến, ngách hầm bên trái các công binh phụ trách cần sâu đến 30 mét mới có thể vào đến khu vực các nạn nhân. Tuy nhiên, khi những người lính trẻ cần mẫn, tỉ mỉ đào từng cm đất ở mét thứ 14 thì phát hiện một tia sáng yếu ớt lóe lên phía trước.
    Sự việc nhanh chóng được báo với chỉ huy. Nhận được lệnh từ đội trưởng phải bình tĩnh, tăng tốc để sớm đến được ánh sáng đó, guồng tay các công binh vội hơn. "Lúc này chỉ còn cách cửa hầm, nơi các nạn nhân mắc kẹt, chừng 5 mét. Chúng tôi quyết định không đào diện tích lớn như ban đầu mà đào lỗ nhỏ, chỉ vừa đủ một người chui. Phải làm sao tiếp cận các nạn nhân nhanh nhất", anh Thảo kể.

    Những thành viên trong ê kíp đào thông hầm, giải cứu 12 nạn nhân thành công. (Ảnh: VnExpress).

    Việc đào những mét cuối cùng để tiếp cận các nạn nhân mà không kịp làm kè chắn là rất mạo hiểm. Tuy nhiên, để có thể cứu người trong thời gian sớm nhất, những chiến sĩ trẻ quyết định tiến sâu vào trong. Một lúc sau họ nghe tiếng "cứu chúng tôi với mọi người ơi" khiến những nhát cuốc, xẻng dồn dập hơn. Trái tim thôi thúc phải sớm giải cứu được những người gặp nạn, song cũng phải đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
    Khó khăn, nguy hiểm luôn trực chờ vì địa chất hầm rất phức tạp, có thể sập đổ bất cứ lúc nào do chưa kịp làm kè gia cố. Tuy nhiên, những chiến sĩ vẫn tỉ mỉ cuốc những miếng đất, phá những hòn đá, có lúc phải dùng tay để cào. "Gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh em tự nhủ quyết tâm hết mình để hoàn thành nhiệm vụ mà người dân cả nước, đặc biệt là các nạn nhân đang mong chờ từng giây", chiến sĩ Lữ Xuân An nói.
    Sau những nhát cuốc cuối cùng, binh nhất Hoàng Văn Thảo chui vào khu hầm có 12 nạn nhân. "Họ hét toáng, bật dậy. Khi chúng tôi đưa ra ngoài, toàn bộ mọi người tím tái, cứng đơ. Từ vẻ hoảng loạn, họ dần chuyển qua vui mừng, có những người ngất xỉu. Chúng tôi phải liên tục trấn an 'cứu được rồi, yên tâm nhé'", anh Thảo kể.
    Lúc phát hiện các nạn nhân, vì quá bất ngờ nên lực lượng công binh không kịp báo cho cơ quan chức năng vòng ngoài. Ở ngách hầm kế bên, đội thợ mỏ của Vinacomin cùng các lực lượng vẫn miệt mài với công việc.
    "Khi nạn nhân đầu tiên được dìu ra, ông đưa hai tay lên chào rồi nói 'còn 11 người phía sau, khỏe, ổn, tốt'. Mọi người trong hầm đều ngỡ ngàng, thét lên sung sướng", trung úy Nguyễn Văn Hải, người dìu nạn nhân đầu tiên khi thấy ở đầu ngách hầm nhớ lại.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuc-dong-nghen-ngao-giay-phut-chien-si-dau-tien-vao-duoc-ham-a75181.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan