+Aa-
    Zalo

    Triều Tiên sẽ tiếp tục "đốt nóng" bàn cờ chính trị châu Á năm 2018?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên đã là chủ đề chi phối bức tranh địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017...

    Các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên đã là chủ đề chi phối bức tranh địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017 và Bình Nhưỡng sẽ vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận khu vực và quốc tế trong năm 2018.

    Sau các vụ thử nghiệm trong năm 2017, Triều Tiên bày tỏ sự phấn khích với “thành quả” đã đat được khi lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cho rằng đây không phải là điều kiện để Triều Tiên gia nhập "câu lạc bộ các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân".

    Về lý thuyết, các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như như ngày 29/11 vừa qua của Triều Tiên có thể đặt Mỹ vào tình trạng báo động. Điều này cũng sẽ được củng cố thêm nếu như việc Triều Tiên làm chủ công nghệ cần thiết để đưa tên lửa mới của nước này trở lại khí quyển của Trái Đất được hiện thực hóa trong những tháng đầu năm 2018.

    Một màn hình ở Tokyo cho thấy bản đồ Nhật Bản sau khi một cuộc thử tên lửa của Triều Tiên hồi cuối tháng 8/2017 - Ảnh: Getty.

    Theo phân tích trên tờ The Guardian, sau 11 tháng cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong việc đưa ra một kế hoạch cụ thể để phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, khi mà vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng dường như ngày càng ngoài tầm kiểm soát của Washington. Điều này dấy lên những hoài nghi liệu rằng ông Trump sẽ làm thế nào để thực hiện cam kết ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

    Những nỗ lực liên tục của Mỹ trong việc kêu gọi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên bước đầu đã có những kết quả nhất định. Bắc Kinh đã nhất trí với các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ.

    Tham vọng của ông Trump đã trở thành nỗi thất vọng khi vào những ngày cuối năm 2017, Mỹ phát hiện những chiếc tàu của Trung Quốc vẫn chuyển dầu cho Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cho rằng, những động thái như thế của Bắc Kinh sẽ cản trở giải pháp “thân thiện” cho cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

    Trên thực tế, nếu như Mỹ thừa nhận rằng, Triều Tiên có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ, thì đó điều này sẽ là "phép thử" lớn nhất đối với chính sách châu Á của ông Trump.

    Theo tuyên bố của ông Kim Jong-un vào ngày 1/1/, Mỹ nên hiểu rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên giờ đây đã trở thành hiện thực chứ không chỉ là mối đe dọa. Trong phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp nhân dịp đầu năm mới, ông Kim nói rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã “hoàn thành” và nút phóng hạt nhân nằm trên bàn làm việc của ông.

    Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia nhận được sự bảo trợ, cam kết an ninh từ phía Mỹ, sẽ là sai lầm nếu “phớt lờ” khả năng Triều Tiên tấn công Mỹ. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng gia tăng những lo ngại về việc dính líu sâu hơn cùng Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, bởi khi đó hai nước này cũng có thể trở thành mục tiêu của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong bối cảnh những cam kết an ninh của Washington đối với hai quốc gia Đông Á này ngày càng lung lay thì những lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là không có cơ sở.

    Những khiêu khích trong năm qua từ phía Triều Tiên cũng là mối đe dọa đối với Thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe và đất nước mặt trời mọc. Bởi vậy, ông Abe đang lên kế hoạch tăng cường an ninh của Nhật Bản trong 12 tháng tới thông qua hợp tác quốc phòng với Mỹ. Cụ thể, Nhật Bản xem xét mua và triển khai một loại tên lửa hành trình của Mỹ.

    Hơn nữa, ông Abe dự kiến sẽ thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp nhằm hợp pháp hóa lực lượng phòng vệ, xây dựng lực lượng phòng vê mới mang tính tấn công hơn với mục tiêu trước mắt là đối phó với Triều Tiên và lâu dài chính là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Việc Nhật Bản quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm 2018 với 5.190 tỷ Yên, tăng khoảng 1,3% so với năm 2017 cho thấy quyết tâm của nước này.

    Đối với Hàn Quốc, mới đây Chính phủ nước này đã đưa ra dự  báo lạc quan cho năm 2018 khi cho rằng Triều Tiên sẽ mở cửa đối thoại với Mỹ về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, song không vì thế mà nước này mất cảnh giác trước các động thái của Triều Tiên. Điển hình là việc mới đây Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ triển khai một đội đặc nhiệm về Triều Tiên, có nhiệm vụ giám sát chính sách của Bình Nhưỡng.

    Theo phân tích hãng thông tấn Yonhap, trong năm qua, để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, đặc biệt là các vụ thử tên lửa khiêu khích của nước này, Seoul đã triển khai các biện pháp khác nhau, trong đó có việc đẩy mạnh diễn tập cảnh báo tên lửa chung với Nhật Bản và Mỹ cũng như tiến hành các cuộc tập quân sự quy mô với Mỹ.

    Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt, những động thái gần đây từ phía Triều Tiên khi liên tục đưa ra các đe dọa tiếp tục thử nghiệm tên lửa sẽ chỉ làm cho vấn đề Triều Tiên trở nên căng thẳng, khó có thể tìm lối ra. Với những diễn tiến phức tạp trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua, vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng được dự báo sẽ vẫn là chủ đề nóng, nhận được nhiều chú ý từ dư luận khu vực và quốc tế trong năm 2018.

    KÔNG ANH(Theo Guardian/Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trieu-tien-se-tiep-tuc-dot-nong-ban-co-chinh-tri-chau-a-nam-2018-a215025.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan