+Aa-
    Zalo

    Vụ Hồ Duy Hải: Kiến nghị xem xét thận trọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.

    (ĐSPL) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
    Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục cho ý kiến dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của QH về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Dự thảo báo cáo đưa ra 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang có đơn kêu oan là: Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) và Vi Văn Phượng (Bắc Giang).
    Điều bất ngờ tại phiên họp, nhiều thành viên đoàn giám sát đã đề xuất kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) năm 2008. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, người dành nhiều công sức nghiên cứu vụ trọng án này, cho rằng có nhiều căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo điều 273 của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

    Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga: Vụ Hồ Duy Hải có đủ 4 căn cứ kháng nghị. Ảnh: Vietnamnet

    Theo báo Người Lao Động, bà Nga cho biết điều 273 của Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định đối với 1 vụ án, chỉ cần 1 trong 4 căn cứ: có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra; việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án; kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ Luật Hình sự là đủ điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm. “Vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ trên. Với tư cách phó đoàn giám sát và đại biểu (ĐB) QH, tôi đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước về vụ này. Quan điểm là xem lại 2 bản án kết tội Hồ Duy Hải có đủ căn cứ không?” - bà Nga cương quyết.
    Bà Nga dẫn ra hàng loạt tình tiết, chứng cứ, lời khai... thiếu căn cứ để kết tội Hồ Duy Hải. “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội nhưng không trung thực, khách quan đối với chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Đây là vụ án rất nghiêm trọng và tước đoạt mạng sống của một con người. Vì vậy, cần xem xét lại một cách thật thận trọng” - bà Nga nói.

    Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ án Hồ Duy Hải

    Theo báo Vietnamnet, ông Vũ Xuân Trường, ủy viên UB Tư pháp, thì nhận định "Hồ Duy Hải không oan": Hầu hết các lời khai của Hải từ đầu chí cuối đều nhận tội. Kể cả khi có kiểm sát viên và luật sư cùng chứng kiến và hỏi, Hải đều khai báo cặn kẽ những chi tiết mà nếu không có mặt ở hiện trường thì không thể biết được. Sau khi xét xử sơ thẩm, Hải chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan. Tại phiên phúc thẩm và trong đơn gửi Chủ tịch nước, Hải chỉ xin tha tội chết.
    Nhưng ông Trường thừa nhận qua giám sát thấy "trong quá trình khám nghiệm hiện trường, điều tra thu thập dấu vết có quá nhiều thiếu sót": Những chứng cứ quan trọng không được củng cố vững chắc. Căn cứ quan trọng nhất để buộc tội chủ yếu là các lời khai của bị cáo, có lúc mâu thuẫn, có lúc cho là bị mớm cung, ép cung...
    "Những thiếu sót trên khiến bản án chưa thực sự có sức thuyết phục, cần được làm sáng tỏ. Nhưng đến nay vụ án đã xảy ra được 7 năm, hiện trường đã thay đổi, nếu hủy bản án để điều tra bổ sung thì có thể tìm được chứng cứ, khắc phục thiếu sót được không?", ông Trường nói.
    Ông Phạm Xuân Thường, ủy viên UB Tư pháp, chia sẻ quan điểm: "Các cơ quan điều tra rất sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ". Nhưng ông nhấn mạnh quan điểm cá nhân và "niềm tin nội tâm" là "nó chính là nó, không phải là ai khác".
    "Nhưng chính vì những sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ mà chúng ta cầm gậy đập vào chân mình. Vì chúng ta gian dối, đưa các chứng cứ giả vào mới dẫn đến vụ án phức tạp như thế này", ông Thường cũng kiến nghị xem xét lại thật kỹ vụ án này.

    Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ án Hồ Duy Hải sát hại 2 nhân viên bưu điện Ảnh: Báo Người Lao Động

    Trao đổi lại, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh: "Niềm tin thì ai cũng có, nhưng kết án phải căn cứ vào chứng cứ".
    Một ủy viên khác của UB Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiến lại có ý kiến: Không có chứng cứ trực tiếp nào để kết tội Hồ Duy Hải. "Các bản án kết tội chỉ căn cứ vào lời khai của Hải. Nghiên cứu cả quá trình qua các lần khai của Hồ Duy Hải, tôi thấy rất nghi ngờ. Những cái đáng nhẽ không nhớ thì lại kể rất chi tiết, những cái cần nhớ thì mãi sau này mới thấy có hướng lái cho phù hợp với biên bản hiện trường. Nên tôi cho là chưa có căn cứ vững chắc để kết tội".
    Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định những sai sót nghiêm trọng trong thu thập chứng cứ, đặc biệt là những chứng cứ ban đầu, là điểm chung giữa vụ án Hồ Duy Hải với hầu hết các vụ án đang gây bức xúc trong dư luận mà đoàn giám sát đặt ra để xem xét.
    Do đó, trong kiến nghị mà đoàn giám sát dự kiến trình QH, vụ Hồ Duy Hải được xếp vào một trong 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đang có đơn kêu oan và được dư luận quan tâm, cần phải giải quyết dứt điểm.
    Đọc dự thảo này, ông Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực UB Tư pháp QH nêu: "Làm rõ động cơ gây án, thời gian trong vụ án, và loại bỏ tất cả những mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục trong hồ sơ vụ án".
    Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: “Vụ Hồ Duy Hải, theo đoàn giám sát thì có đủ căn cứ để kháng nghị nên liên ngành đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm một số tình tiết, báo cáo Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao trong thời gian tới”.
    Gia Huy(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ho-duy-hai-kien-nghi-xem-xet-than-trong-a88102.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan