+Aa-
    Zalo

    Ấm lòng lớp học xóa mù chữ của người thầy mang quân hàm xanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lớp học xóa mù chữ của thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã duy trì suốt 16 năm và người thầy mang quân hàm xanh vẫn lên lớp đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6.

    Lớp học xóa mù chữ của thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã duy trì suốt 16 năm và người thầy mang quân hàm xanh vẫn lên lớp đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. 

    Lớp học miễn phí được mở suốt 16 năm qua tại nhà văn hóa của phường ở Nha Trang: Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

    16 năm qua, người dân ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã quen với hình ảnh thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (Đồn Biên phòng Cầu Bóng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) hàng đêm miệt mài dạy chữ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, nhiều cuộc đời, nhiều số phận đã đổi thay...

    Lớp học xóa mù chữ của thiếu tá Tưởng được hình thành từ năm 2004 khi anh về Đồn Biên phòng Cầu Bóng công tác và được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Lớp học là nhà văn hóa tổ dân phố Trường Phúc 19. 

    Đúng 19h, lớp học sáng đèn. Tiếng học bài ê a râm ran không ngớt. Ở phía trên, thiếu tá Tưởng kẻ chiếc bảng làm ba cột. Bên trái dành cho khối lớp 4-5 ôn lại kiến thức, mở rộng nội dung. Cạnh đó là chương trình lớp 2-3 và còn lại là các em học sinh lớp một.

    Sau đó, "thầy giáo quân hàm xanh" đến từng chỗ học sinh kiểm tra nét viết trong tập, rồi bảo các em đọc lại chữ cái hôm trước đã học. Khi phát hiện nét chữ viết nguệch ngoạc, anh yêu cầu học trò xóa đi, viết lại theo chữ mẫu.

    Một vài trường hợp loay hoay mãi nhưng chữ viết vẫn không tròn, anh lại động viên, rồi cầm tay các em viết theo. Sau vài phút, chữ viết thẳng với ô trong tập, anh quay sang kèm cho học sinh khác.

    Lớp học diễn ra 19h-21h, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần với gần 30 em ở các độ tuổi khác nhau. Chương trình học lớp một đến năm.

    Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ: "Khi mới về đây nhận công tác, tôi chứng kiến nhiều em nhỏ từ 10 đến 17 tuổi không biết đọc, biết viết, chơi bời lêu lổng. Qua tìm hiểu, hầu hết người dân ở đây đều không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh rất khó khăn. Một số gia đình bố mẹ ly hôn, đi trại cải tạo hoặc mất sớm cho nên con cái ở với ông bà. Hoàn cảnh khốn khó khiến các em phải sớm bươn chải kiếm sống bằng nghề thu gom chai, lọ, bán vé số, làm thuê... Hơn nữa, tình hình an ninh khu vực này rất phức tạp bởi nơi đây là trọng điểm của tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy".

    Những điều đó khiến thiếu tá Tưởng nhiều đêm trăn trở: Mình phải làm điều gì đó cho các em nhỏ nơi đây? Sau đó, anh Tưởng mạnh dạn đề xuất mở lớp dạy chữ do anh đứng lớp cho các em nhỏ với lãnh đạo Đồn Biên phòng Cầu Bóng và lãnh đạo phường Vĩnh Phước. Đề xuất của anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các lãnh đạo đơn vị và địa phương.

    Để các học sinh yên tâm học tập, không tự ti về hoàn cảnh gia đình, vào các dịp lễ, Tết thầy Tưởng thường phối hợp Đoàn Thanh niên phường, một số nhà hảo tâm tặng các em sách vở, mì tôm, gạo…; tổ chức cho các em học gói bánh chưng, tham quan các khu vui chơi, giải trí ở thành phố.

    Những việc làm thiết thực của thầy giáo quân hàm xanh khiến số em đến học chữ ngày một đông. Vào lúc cao điểm, số học sinh từ 50 đến 60 em (từ 12 đến 16 tuổi). Để bảo đảm chất lượng dạy và học cho các học sinh, vào các ngày chẵn trong tuần Thiếu tá Tưởng dạy từ lớp 3 đến lớp 5; những ngày còn lại dạy lớp 1 và lớp 2. Tại mỗi lớp học, thầy Tưởng đều đề ra nội quy nghiêm khắc nhằm rèn giũa, uốn nắn đạo đức, nhân cách của học sinh.

    Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho biết: Thầy Tưởng không quản mưa gió, thường xuyên bám lớp, bám trò, mang cái chữ đến cho các em ở phố Trường Phúc. Nhiều em học sinh sau khi học lớp của thầy Tưởng đã được công nhận phổ cập tiểu học và một số em được chuyển đến Trường THCS Nguyễn Khuyến để tiếp tục tham gia lớp phổ cập giáo dục THCS. Không những thế, tệ nạn xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn đã giảm rõ rệt.

    Năm 2009-2010, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng được Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy Khánh Hòa tặng Bằng khen trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Song đối với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất, nguồn động viên lớn nhất là sự trưởng thành của những cậu học trò , cũng như việc bồi đắp ước mơ giúp các trẻ em nghèo tự tin hơn trên con đường hướng đến tương lai.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-long-lop-hoc-xoa-mu-chu-cua-nguoi-thay-mang-quan-ham-xanh-a313448.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan