+Aa-
    Zalo

    Anh tiết lộ thời điểm nhậm chức của tân Thủ tướng Sunak

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ Rishi Sunak sẽ trở thành tân thủ tướng Anh sau khi diện kiến Vua Charles III ngày 25/10 (giờ địa phương).

    Sau khi ông Rishi Sunak được xác nhận trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ ngày 24/10, vào tối muộn cùng ngày, phố Downing đã công bố kế hoạch nhậm chức Thủ tướng Anh. 

    Theo đó, bà Liz Truss, vị thủ tướng đã từ chức, sẽ chủ trì cuộc họp cuối cùng với Nội các và có bài phát biểu trước khi rời nhiệm sở bên ngoài số 10 phố Downing vào khoảng 10h15 ngày 25/10 (giờ Anh). Bà sẽ đến Điện Buckingham để diện kiến quốc vương trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ. 

    Sau khi bà Truss rời đi, ông Sunak sẽ tiếp tục tới diện kiến Vua Charles III và sẽ chính thức được nhà vua bổ nhiệm vào vị trí tân Thủ tướng Anh. Ông Rishi Sunak dự kiến sẽ có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới vào lúc 11h35 cùng ngày ở số 10 phố Downing.

    tan thu tuong anh rishi sunak
    Ông Rishi Sunak từng đối đầu với bà Liz Truss trong cuộc bầu cử của đảng Bảo thủ hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: Sky News

    Đảng Bảo thủ đã phải tổ chức cuộc bầu cử lãnh đạo mới chỉ sau hơn 1 tháng sau khi bà Liz Truss tuyên bố từ chức ngày 20/10. Trong bài phát biểu từ chức, bà Truss nói: "Tôi nhận ra rằng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ".

    Trong cuộc đua tìm nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, ông Rishi Sunak từ đầu đã được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất, ông nhận được sự ủng hộ của hơn một nửa số nghị sĩ trong đảng. Bên cạnh đó, trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, ông Sunak cũng đã tiến vào vòng bầu cử cuối cùng trước khi để thua trước bà Liz Truss. 

    Trước khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Sunak từng có thời gian giữ chức bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson. Thời điểm ấy, ông được chú ý khi đưa ra nhiều biện pháp tài chính, hỗ trợ người dân trong các đợt đóng cửa phòng dịch COVID-19. 

    Ông cũng được cho là một người có tầm ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ. Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Sunak từ chức vào tháng 7, cùng hàng loạt các bộ trưởng khác, đã gây ra sức ép buộc ông Boris Johnson phải từ chức thủ tướng. 

    Tân thủ tướng Anh Rishi Sunak lên nắm quyền trong thời điểm nền kinh tế nước Anh đang bị suy yếu nặng nề. Theo đó, thách thức đầu tiên của ông sẽ là tìm cách khôi phục nền kinh tế Anh, đoàn kết đảng và lấy lại niềm tin của người dân.

    Trong tuyên bố sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử, ông Sunak cam kết sẽ đoàn kết đảng Bảo thủ, kết thúc chuỗi ồn ào của đảng và ưu tiên "chính sách thay vì cá nhân". Tân thủ tướng Anh nói rằng ông sẽ bắt đầu với việc cải tổ nội các.

    Các đông minh cho biết ông Sunak có kế hoạch tiếp cận tất cả các nhóm trong đảng, trái ngược với động thái trước đây những người tiền nhiệm ông từng làm.

    Phát biểu trước các nghị sĩ ngày 24/10, ông Sunak cam kết sẽ nâng cấp các chính sách, từ việc đưa nước Anh tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải bằng 0 tới việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay với Nga. 

    Các nghị sĩ đã nói chuyện với ông Sunak cuối tuần qua cho biết ông không chuẩn bị đưa ra bất kỳ cam kết chi tiêu nào - bao gồm cả chi tiêu cho quốc phòng. Bài phát biểu đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo dự kiến sẽ được tổ chức riêng tư với nội bộ đảng Bảo thủ , không có truyền thông ghi hình. 

    Minh Hạnh (Theo Sky News)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-tiet-lo-thoi-diem-nham-chuc-cua-tan-thu-tuong-sunak-a555252.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan