+Aa-
    Zalo

    Bi hài chuyện đại học liên thông xuống... trung cấp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng điều dưỡng, y sỹ đa khoa, dược sỹ hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm.

    (ĐSPL) - Chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng điều dưỡng, y sỹ đa khoa, dược sỹ hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm.

    Tuy nhiên, với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tập trung chủ yếu vào 3 ngành hàng năm lên đến khoảng 25.000-30.000 chỉ tiêu cho mỗi ngành, việc học sinh, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm là hoàn toàn hiện hữu.

    Tréo ngoe, đại học liên thông xuống trung cấp

    Trong quá trình khảo sát, điều tra về việc đào tạo nhân lực ngành Y, Dược hệ trung cấp, PV không khỏi bất ngờ trước những tên trường na ná nhau kiểu trung cấp Y dược học Hà Nội, trung cấp dược Hà Nội. Học sinh cũng như phụ huynh nhiều khi không thể phân biệt đó là một trường hay là hai trường.

    Lợi dụng yếu tố này, đại diện các văn phòng tuyển sinh cùng một lúc nhận làm “đại lý” nhận hồ sơ đăng ký cho nhiều trường, nhiều hệ đào tạo khác nhau. Thành ra, các văn phòng này không quên “lưu ý” học sinh “cần liên hệ trước, tránh nộp nhầm hồ sơ”. 

    Tréo ngoe liên thông đại học xuống trung cấp! (Ảnh minh hoạ: nguồn Internet).

    Học sinh có nguyện vọng không chỉ mịt mùng giữa tên các cơ sở đào tạo giống nhau mà còn thoải mái lựa chọn các chế độ thời gian học. Các trường này không chỉ “hút” học sinh tốt nghiệp THPT, bổ túc văn hoá... mà còn đào tạo cho cả sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

    Theo tìm hiểu của PV, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp các nhóm ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Ngoại ngữ, Sư phạm... nếu muốn học trung cấp dược, y sẽ mất 12 tháng. Theo lý giải của các trường, thời gian đào tạo 1 năm đối với ngành học dược sỹ do người học được miễn học môn đại cương đã học ở các trường TCCN, CĐ-ĐH và chuyển điểm nên chỉ phải học các chuyên ngành dược. Các trường này gọi là hệ văn bằng 2 trung cấp dược sỹ và được quyền liên thông đại học dược khi đủ điều kiện liên thông theo quy định của Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT.

    Các trường đào tạo nhân lực ngành Y hệ trung cấp còn mạnh tay trích “hoa hồng” cho cả học sinh trong trường nếu “chiêu mộ” được người học. Theo chia sẻ của chị Trần Huyền T., học sinh trường trung cấp Dược H., chị được thầy cô “nhắn nhủ” là chịu khó “tuyển sinh”, tiếp thị, “chiêu mộ” được nhiều học sinh, sẽ được trích tiền công giới thiệu.

    Xem thêm video: Tư vấn chọn trường thi và nguyện vọng thi.

    Một trong các lý do khiến thị trường đào tạo nhân lực ngành Y (không tính hệ đại học, trên đại học – PV) “hút” là do việc tuyển sinh ngành Y dễ hơn các ngành khác. Trong khi nhiều ngành học hệ đại học phải đóng cửa vì không có người học trong một vài năm gần đây thì các trường đào tạo nhân lực ngành Y lại liên tục nở rộ.

    Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM, năm 2007, có 3 cơ sở thuộc các trường đại học Y dược đào tạo trình độ TCCN, đào tạo nhân lực ngành Y dược. Năm 2013 là 27 cơ sở, với 5 trường công lập, 22 ngoài công lập tham gia đào tạo gần 14.000 điều dưỡng, dược sỹ, y sỹ. Trường có uy tín như ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng chỉ có quy mô đào tạo 400 học viên/khóa nhưng có trường ngoài công lập sinh sau đẻ muộn mạnh tay chiêu sinh, đào tạo cả ngàn học viên ngành Y dược!

    Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y dược Việt Nam cũng đã từng họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng.

    Tại một cuộc họp giữa sở Y tế TP.HCM và sở GD&ĐT năm 2013, PGS.TS Trần Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng trường Quốc tế Hồng Bàng phát biểu: “Chỉ có 40\% - 50\% học viên tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm, còn lại thất nghiệp.

    Điều này cũng cho thấy những nỗ lực của nhà trường trong việc đào tạo ngành Y dược bị vô hiệu hóa. Nó cũng không hợp với một quốc gia còn nghèo nhưng phí phạm nhân lực đã đào tạo... Không những thế, khi cung vượt cầu sẽ phát sinh tiêu cực, vì phí chạy việc làm trong ngành Y dược, bệnh viện công sẽ cao, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng”.        

    “Ôm” bằng đợi cơ chế “thoáng”?

    Trong khi các trường Y vẫn liên tục mời gọi học sinh với những lời giới thiệu đầy cuốn hút rằng: “Hiện nay, ở nước ta, sinh viên tốt nghiệp ra trường đông nhưng việc làm ít, dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao. Chính vì vậy, các bạn trẻ hãy lựa chọn cho mình một ngôi trường phù hợp. Hãy tính toán đầu vào, đầu ra cho hợp lý để không bị lâm vào cảnh cử nhân thất nghiệp. Trung cấp Y sẽ là một gợi ý hay và thú vị cho các bạn quả là một điều cần phải xem xét”.

    Tuy nhiên, những người trong cuộc là học sinh vừa tốt nghiệp các trường trung cấp Y, dược lại là dẫn chứng hoàn toàn khác biệt. Chia sẻ về tình cảnh “dở khóc dở cười” của bản thân, chị Phạm Minh T. (Thanh Sơn, Phú Thọ), học sinh tốt nghiệp lớp điều dưỡng, hệ trung cấp trường cao đẳng Y tế P.T thẳng thắn cho biết: “Tôi và 49 học sinh cùng lớp lúc bước vào trường học đều tràn trề hy vọng sẽ có “cửa” sau khi ra trường. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn thất vọng, khi ra trường đã 2 năm mà không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành.

    Tính đến nay, chỉ 5/49 người tìm được việc làm. Đặc biệt, cả 5 người này đều đi xuất khẩu lao động tại Nhật với công việc là chăm sóc cho người già yếu tại các bệnh viện. Theo tôi được biết, thu nhập của các bạn ấy khoảng 1.400 USD (khoảng 29 triệu đồng/tháng). Hơn bốn mươi người còn lại, trong đó có tôi, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, đều để gọn trong góc tủ”, chị T. phân trần.

     Chị T. cũng cho biết, chị và gia đình đã mất ít nhất 10 triệu đồng xăng xe cho một đối tượng chờ chỉ tiêu để “chạy” vào bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Sau khoảng nửa năm khất lần, khất lượt, gia đình chị nhận được tin, người nhận giúp gia đình chị đã bị bắt vì tội lừa đảo.

    Sau 2 năm tốt nghiệp, bươn chải qua một công ty may, một công ty chế biến chè xuất khẩu, trải nghiệm duy nhất về công việc của một điều dưỡng mà chị T. có được là khoảng thời gian đi thực tập tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

    Chị T. và gia đình vẫn hy vọng, sẽ có cơ hội thi được vào một cơ sở y tế ở địa phương, dù biết khả năng là không nhiều. Số lượng học sinh tốt nghiệp lớn, nhu cầu sử dụng của thị trường không tăng, có lẽ là nguồn cơn khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý muốn có việc làm trong các cơ quan, đơn vị ngành Y để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dễ dàng.

    Tháng 11/2014, Công an Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với kẻ chủ mưu là Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983, trú ở Trương Định, Hoàng Mai) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, khoảng tháng 12/2013, Hạnh tự giới thiệu làm tại bệnh viện Phụ sản Trung ương và có khả năng "chạy" việc cho nhiều người vào làm tại các bệnh viện, bộ Y tế và một số cơ quan ở Hà Nội...

    Sau đó, thông qua một đầu mối, Hạnh đã nhận 21 bộ hồ sơ xin việc và 3,11 tỉ đồng. Tiếp tục hành vi lừa đảo, Hạnh thuê Vương Thúy Nga đóng giả làm nhân viên phòng kế hoạch - tổng hợp của bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên của sở Nội vụ Hà Nội, thuê người giả mạo Thứ trưởng bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, thư ký Thứ trưởng bộ Y tế để gặp gỡ, hứa hẹn xin việc làm cho các nạn nhân. Do chiếm được lòng tin của nhiều nạn nhân, từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga đã nhận được tiếp 39 hồ sơ xin việc làm, chiếm đoạt gần 1,5 tỉ đồng.

    Tiêm nhầm... vắc-xin

    Chắc dư luận cả nước chưa thể quên những câu chuyện có một không hai trong lịch sử ngành Y Việt 

    Nam
     khi vừa qua hàng loạt sự vụ liên quan đến việc tiêm nhầm cho sản phụ, trẻ nhỏ. Điển hình như 10/2014, 60 trẻ bị tiêm nhầm nước cất thay cho vắc-xin. Theo như trần tình của cán bộ tiêm chủng khi đến điểm tiêm chủng của trường mầm non Sao Mai, phường 3, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp tiêm là dạng phối hợp sởi-rubella. Thấy ống dung dịch hồi chỉnh, cán bộ tiêm chủng lại tưởng là vắc-xin mới nên tiêm cho trẻ. Rất may đây chỉ là nước cất nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo đó, cán bộ tiêm chủng khi lấy vắc-xin chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh, không để ý các lọ vắc-xin nằm ở đáy phích nên lầm tưởng các ống này là loại vắc-xin mới.

    HOÀNG MAI

    (Còn tiếp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-hai-chuyen-dai-hoc-lien-thong-xuong-trung-cap-a92019.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan