+Aa-
    Zalo

    Bình Dương: Đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản của các doanh nghiệp tại Bình Dương phải trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.

    (ĐSPL) - Những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bình Dương phải trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.
    Liên quan đến vụ phá hoại tài sản, gây rối hôm 13 – 14/5 vừa qua, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 800 người liên quan có những hành động quá khích. Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng đang khẩn trương điều tra và khởi tố một số đối tượng đóng vai trò cầm đầu, kích động với tội danh gây rối trật tự, hủy hoại tài sản và chiếm đoạt tài sản.
     Một số đối tượng gây rối bị đưa lên xe cảnh sát.
    Theo thống kê ban đầu Bình Dương có 460 nhà máy bị hư hại nhẹ, 16 nhà máy bị đốt phá và mất mát tài sản nghiêm trọng, thiệt hại có thể lên đến hàng nhiều tỷ đồng.
    Nhiều đối tượng đã nhân cơ hội mất cảnh giác và bất lực của doanh nghiệp để tiến hành cướp tài sản, trộm cắp tài sản.
    Việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả như thế nào? đang là vấn đề rất được quan tâm. Việc buộc những kẻ chủ mưu phá hoại phải bồi thường đã được đặt ra. Tuy nhiên, phương án này nhiều khả năng không phải là giải pháp thu hồi thiệt hại tốt nhất.
    Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra, cần phải có chính sách hỗ trợ cho một số doanh nghiệp để  tiếp tục ổn định sản xuất. Cũng như, tăng cường hơn nữa việc đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, tránh tình trạng công nhân bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động.
    Theo luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty luật TNHH VMF cho biết: Vụ việc những công nhân bị kích động đã gây rối loạn tại các khu công nghiệp ở Bình Dương đã vi phạm các quy định của Bộ luật Hình sự cụ thể là: Điều 138 về tội trộm cắp tài sản; Điều 143 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Điều 245 về tội gây rối trật tự công cộng.
    Về trách nhiệm trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại
    Luật sư Vượng phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại do việc phá hoại tài sản của các doanh nghiệp ở Bình Dương gây ra như sau:
    Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự về việc trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi theo đó: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.
     Công nhân Bình Dương trật tự tuần hành thể hiện lòng yêu nước.
    Như vậy, những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và hủy hoại tài sản của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Bình Dương phải trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.
    Về việc bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra được quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự cụ thể: “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
    Cần phải xác định mức độ lỗi của từng người tham gia phạm tội căn cứ vào Điều 20 Bộ luật hình sự về đồng phạm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
    Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm; Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
    Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
    Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
    Như vậy, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định việc phạm tội của những người này đồng thời xác định xem ai là người tổ chức, ai là người thực hành, ai là người xúi giục… Căn cứ vào đó để xác định chính xác việc bồi thường căn cứ vào mức độ lỗi do hành vi của họ gây ra để quyết định việc bồi thường thiệt hại.
    Việc xác định thiệt hại
    Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự về thiệt hại do tài sản bị xâm hại: “Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm: Tài sản bị mất; Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”.
    Như vậy, những người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị mất; bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Việc chứng minh thiệt hại sẽ do Cơ quan tiến hành tố tụng và Người bị thiệt hại cùng phối hợp xác định căn cứ vào thiệt hại tực tế do hành vi phạm tội gây ra. 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/binh-duong-den-bu-thiet-hai-cho-doanh-nghiep-the-nao-a33306.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan