+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng gia tăng ở biên giới Ba Lan - Belarus: Lo ngại một cuộc khủng hoảng mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng nghìn người tị nạn bị mắc kẹt ở biên giới Ba Lan - Belarus đã trở thành trọng tâm khiến căng căng thẳng gia tăng.

    Những người tị nạn, phần lớn đến từ châu Á và Trung Đông với hy vọng tới Ba Lan để tiến sâu hơn vào châu Âu, đã tụ tập ở khu vực cửa khẩu Kuznica của Belarus. Theo đó, các nhà chức trách đã đóng cửa khu vực này từ ngày 9/11, khiến hàng nghìn người bị kẹt lại.

    Những người tị nạn phải chịu điều kiện tồi tệ

    Theo CNN, các tổ chức từ thiện thế giới cho biết những người bị mắc kẹt ở khu vực biên giới Belarus đang phải chống chọi với thời tiết băng giá và thiếu lương thực cũng như sự chăm sóc y tế cần thiết. Một số báo cáo còn tiết lộ tình trạng người tị nạn bị đánh đập và kiệt sức.

    Trong đó, một người tị nạn từ Syria cho biết trong lần thứ 3 nỗ lực vượt biên từ Belarus, anh và 3 người trong nhóm của mình đã lính canh bị bắt lại ở biên giới. Anh chia sẻ đã bị đánh đập liên tục dẫn tới nhiều vết thương ở mặt, gãy mũi và bị bầm tím trên người.

    ba lan belarus bien gioi
    Belarus bị các nước láng giềng chỉ trích gây ra cuộc khủng hoảng biên giới trong thời gian gần đây. Ảnh: Reuters

    Trong khi đó, các nhà chức trách Ba Lan thông tin họ đã phát hiện 7 người tị nạn tử vong ở biên giới, nói thêm rằng có nhiều trường hợp tương tự được phát hiện ở phía Belarus. Nhiều tổ chức vì nhân quyền đã chỉ trích Ba Lan vì đã yêu cầu những người tị nạn quay về Belarus thay vì tiếp nhận họ. Tuy nhiên, Ba Lan khẳng định các hành động của họ là hợp pháp. 

    Các nhà chức trách Ba Lan cho biết kể từ đầu tháng 11 tới nay, họ đã ghi nhận 4.300 nỗ lực vượt biên của người tị nạn từ Belarus. Chỉ tính riêng trong 2 ngày, Lực lượng biên phòng Ba Lan đã xác định được khoảng 1.000 nỗ lực vượt biên, bao gồm một số cuộc vượt biên theo "quy mô lớn" với các nhóm hơn 100 người cố gắng phá hàng rào. Các nhà chức trách Ba Lan đã bắt giữ một số lượng nhỏ những người này và ngay lập tức đưa họ trở lại Belarus.

    Đầu tuần này, đại diện của lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan tiết lộ với CNN rằng một số người di cư đã bị lực lượng Belarus đẩy về phía hàng rào biên giới. Những khu vực này bị hạn chế quyền tiếp cận nên nhà báo và các lực lượng vì nhân quyền không thể tới hiện trường.

    Lo ngại một cuộc khủng hoảng chính trị

    CNN thông tin, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko trước đó đã bị thủ tướng của các nước láng giềng bao gồm Ba Lan, Latvia và Litva cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới, khiến Ba Lan hồi tháng 10 thông qua một dự luật về việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Belarus.

    ba lan belarus
    Sĩ quan Ba Lan được triển khai tới biên giới Ba Lan - Belarus ngày 8/11 vừa qua. Ảnh: CNN

    Tuy nhiên, chính phủ của ông Lukashenko đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên, nói rằng các nước phương Tây mới chính là nguyên nhân gây ra những vụ vượt biên.

    Trong khi đó, Ukraine cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận tại một khu vực gần biên giới với Ba Lan và Belarus để đối phó với một cuộc khủng hoảng di cư tiềm tàng. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của khoảng 8.500 quân nhân và cảnh sát cùng với máy bay quân sự, bao gồm 15 máy bay trực thăng.

    Belarus đối mặt với lệnh trừng phạt mới

    Trong tuần này, Mỹ và các nước châu Âu đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Belarus. Cụ thể, ngày 10/11, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết Mỹ đang chuẩn bị "các biện pháp trừng phạt tiếp theo" nhằm buộc các nhà lãnh đạo Belarus phải chịu trách nhiệm về "các cuộc tấn công liên tục vào dân chủ, nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế". Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng không nêu chi tiết về thời điểm các lệnh trừng phạt được áp dụng. 

    Người phát ngôn cho biết: "Chúng tôi vô cùng lo ngại trước những hành động của chính quyền ông Lukashenka và lên án mạnh mẽ cách họ đối xử với những người bị tổn thương". 

    Đây là đợt trừng phạt thứ hai nhằm vào Belarus được Mỹ công bố trong những tháng gần đây. Trước đó, hồi tháng 8, Nhà Trắng đã công bố một lệnh hành pháp sâu rộng nhằm vào những người trong chính quyền Belarus có liên quan đến hành động đàn áp nhân quyền và dân chủ.

    Ngày 11/11, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas thông tin tại Quốc hội Đức rằng Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định "mở rộng và thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền của ông Lukashenko" tại một cuộc họp của các ngoại trưởng ở Brussels (Bỉ). Ông Maas  ho biết các biện pháp trừng phạt đã được đề xuất, đồng thời khẳng định "những cá nhân và tổ chức tích cực tham gia vào hoạt động buôn người sẽ bị trừng phạt nhiều hơn, bất kể ở đâu trên toàn cầu".

    Minh Hạnh(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-gia-tang-o-bien-gioi-ba-lan-belarus-lo-ngai-mot-cuoc-khung-hoang-moi-a519037.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan