+Aa-
    Zalo

    Dịch chuyển giàn khoan, TQ có từ bỏ tham vọng tại Biển Đông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lực lượng Cảnh sát biển VN đã ghi nhận giàn khoan và các tàu hộ tống dịch chuyển từ lúc 21h ngày 15/7 và đến cuối ngày 16/7, giàn khoan đã hoàn toàn ra khỏi vùng biển VN.

    Ngày 15/7, Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc thông báo việc giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất hoạt động thăm dò dầu khí. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ghi nhận giàn khoan và các tàu hộ tống dịch chuyển từ lúc 21h ngày 15/7 và đến cuối ngày 16/7, giàn khoan đã hoàn toàn ra khỏi vùng biển Việt Nam.
    Động thái mới của Trung Quốc được cho là tạm thời xoa dịu căng thẳng gần đây trên Biển Đông, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra câu hỏi cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế về nguyên nhân thực chất của hành động này và những toan tính của Trung Quốc trong thời gian tới.
    Vì sao Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981?
    Lý do phía Trung Quốc nêu ra trong thông báo ngày 15/7 của Công ty Dầu khí Quốc gia là “đã hoàn thành việc khoan và thăm dò thuận lợi", giai đoạn tiếp theo sẽ được triển khai sau khi có đánh giá toàn diện từ các thông số khảo sát thu được. Lý do mà Trung Quốc đưa ra liệu có thuyết phục, hay ẩn đằng sau là những tác động từ sức ép chính trị và kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt trong suốt thời gian qua.
    Thứ nhất, về mặt chính trị, hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép này của Trung Quốc làm dấy lên làn sóng phản ứng hết sức dữ dội của dư luận toàn cầu. Việc làm của Trung Quốc bị nhìn nhận như hành vi “hung hăng”, “khiêu khích”, “xâm phạm chủ quyền” và “làm gia tăng căng thẳng tại khu vực”. Cụ thể hơn, trong khu vực, ASEAN lần đầu tiên sau gần 20 năm đã đưa ra được tuyên bố chung với tư cách của cả 10 nước thành viên về một sự việc cụ thể ở Biển Đông. Các thành viên ASEAN cũng thể hiện rõ sự phản ứng mạnh mẽ, trong đó Indonesia là nước đi đầu đề xuất ASEAN ra tuyên bố tiếp theo về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Ngoài khu vực, có thể kể đến sự góp mặt của các cường quốc như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ...Nhật tuyên bố sẵn sàng kêu gọi hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN khác để đối phó với những nguy cơ và thách thức chung tại Biển Đông. Gần đây, trong chuyến thăm của ông Shinzo Abe đến Australia trong bối cảnh tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã khẳng định nước này sẽ đương đầu với Trung Quốc nếu chủ quyền quốc gia, các giá trị tự do và luật pháp bị xâm phạm.
    Dịch chuyển giàn khoan, TQ có từ bỏ tham vọng tại Biển Đông

    Giàn khoan dầu Hải Dương - 981 của Trung Quốc.

    Quốc gia đóng vai trò to lớn hơn cả trong việc tác động đến hành xử của Trung Quốc có lẽ vẫn là Mỹ - cường quốc đang quyết tâm thực hiện bằng được chính sách xoay trục về châu Á của mình. Ngay từ những ngày đầu tiên, phản ứng của Mỹ được đánh giá là mạnh nhất, tần suất đưa ra các tuyên bố cũng nhiều nhất ở các cấp khác nhau từ các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ đến Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia, Phó Tổng thống và Tổng thống. Một trong những tuyên bố gay gắt nhất được đưa ra từ phía Mỹ là phát biểu của Tổng thống Obama trong lễ tốt nghiệp của Học viện quân sự West Point khi ám chỉ hành động của Trung Quốc là “xâm lược”. Vào ngày 9-10/7 vừa qua, trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung hàng năm, Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và không nên có hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Cũng trong ngày 10/7, thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết về biển Đông mang mã số S.RES.412 yêu cầu Trung Quốc khôi phục nguyên trạng trước 1/5/2014. Trung Quốc phải chăng đã có câu trả lời cho phép thử của mình và buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam trước sức ép của dư luận quốc tế.
    Không chỉ có vậy, nhân tố kinh tế cũng tạo một áp lực không hề nhỏ lên vai Trung Quốc khi mà chi phí để duy trì hoạt động của giàn khoan và các tàu hộ tống là rất lớn. Trung bình, chi phí vận hành giàn khoan Hải Dương 981 là từ 900 đến 1,5 triệu USD/ngày, chưa kể chi phí cho các tàu tuần tra, bảo vệ giàn khoan, dự kiến có thể lên đến chục triệu USD/ngày. Hơn nữa, giai đoạn thăm dò tiếp theo dự kiến cũng sẽ tiêu tốn thêm từ 600 triệu đến 1 tỷ USD và chi phí để phát triển dự án sẽ rơi vào quãng từ 8 đến 10 tỷ USD. Là một dự án nước sâu phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, Trung Quốc chắc chắn không thể tự thực hiện toàn bộ mà sẽ phải sử dụng các nhà thầu phụ đến từ các nước khác như Mỹ, Đức, Na Uy, Thụy Điển... Tuy nhiên, với tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, chắc chắn các nhà thầu nước ngoài sẽ đòi hỏi ở Trung Quốc một cái giá không rẻ nếu tham gia vào dự án đầu tư nhiều rủi ro này. Trong khi đó, không có gì đảm bảo là việc tìm thấy mỏ dầu khí thương mại ở đây có thể bù đắp những chi phí nói trên và sinh lời. Phải chăng vì yêu cầu tài chính quá cao nên Trung Quốc quyết định kết thúc giai đoạn thăm dò ban đầu càng sớm càng tốt để dành nguồn lực cho các giai đoạn sau (nếu thực sự có thể khai thác dầu khí thương mại ở đây). Hoặc nếu toàn bộ vụ việc giàn khoan lại chỉ là một phép thử của Trung Quốc về phản ứng của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, nước này có thể vì lý do kinh tế mà kết thúc phép thử ngay sau khi đã "nếm" đủ vị từ Á-Âu cho đến Hoa Kỳ.
    Một điểm đáng chú ý khác, bản tin của Tân hoa xã ngày 15/7 cho biết sau khi có đánh giá toàn diện, kế hoạch tiếp theo sẽ được đưa ra nhưng "vì lý do an toàn, việc vận hành thử nghiệm sẽ không được tiến hành ngay vì tháng 7 là mùa mưa bão ở biển Đông". Thông báo này ám chỉ mùa mưa bão cũng là một trong những nguyên nhân để Trung Quốc tạm thời không tiến hành thêm các hoạt động trong khu vực. Cách đây không lâu, Giáo sư Carl Thayer từng nhận định mùa mưa bão ở Biển Đông sẽ là một cái cớ nhằm giữ thể diện cho Trung Quốc. Là một nước lớn vừa trỗi dậy, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc đang tăng cao trong những năm gần đây buộc chính phủ nước này phải tìm một cái cớ hợp lý khi muốn xuống thang trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ.
    Bước tiến tiếp theo
    Phát biểu trong họp báo ngày 16/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận việc hoàn thành công tác thăm dò tại Nam Tri Tôn, đồng thời công bố Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ có kế hoạch tiếp theo dựa trên dữ liệu thu được đồng thời khẳng định vị trí dự án hoàn toàn nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Thứ nhất có thể thấy Trung Quốc coi hành động rút giàn khoan không phải là sự rút lui mà là tạm dừng để chờ đánh giá toàn diện và kế hoạch tiếp theo. Thứ hai, Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng thực thi yêu sách chủ quyền tại khu vực này thông qua các hoạt động dầu khí.
    Như vậy, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục có động thái trong tương lai không xa, ngay sau mùa mưa bão tháng 7 ở biển Đông. Thậm chí, ngay cả trong mùa mưa bão năm nay, Trung Quốc có thể sẽ để lại các tàu hải giám, ngư chính tiếp tục tuần tra, bảo vệ khu vực mà họ cho là "có bằng chứng về dầu khí" như giáo sư Carl Thayer đã từng nhận định. Tiến sĩ Ian Storey cũng cho biết các giàn khoan sẽ trở lại, một là trong năm nay hoặc trong năm tới, và khi đó các nước láng giềng sẽ phải đối phó với một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, tự tin hơn và cũng quyết đoán hơn.
    Trung Quốc đang có tham vọng trở thành cường quốc biển, tuy nhiên vụ việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam vừa không đủ chứng minh năng lực biển của họ mà còn khiến hình ảnh nước này xấu đi. Mặc dù truyền thông Trung Quốc ra sức tuyên truyền về khả năng của nước này khi hoàn thành được giàn khoan khổng lồ. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có hơn 10 công ty chủ yếu của Mỹ và Na Uy có khả năng sản xuất và cung cấp các thiết bị quan trọng nhất của một giàn khoan di động như hệ thống khoan, mũi khoan, động cơ… Một số nguồn tin cho biết, thực chất Trung Quốc chỉ đóng phần vỏ (hulk) và phần khối nhà ở, điều mà một số hãng tàu của Việt Nam cũng làm được. Trong khi chưa thực sự chứng minh được năng lực, Trung Quốc lại quá sốt sắng cho thế giới thấy tham vọng bành trướng và hành động hung hăng, khiêu khích tại Biển Đông. Theo một nghiên cứu của Pew Research Center tại 44 nước, uy tín của Trung Quốc ngày càng giảm, và hành động gây hấn của Trung Quốc ngày càng đẩy các quốc gia trong khu vực xích lại gần với Mỹ.
    Trung Quốc có thể lớn mạnh nhưng là quốc gia không bạn bè và không nhận được sự tôn trọng trong khu vực nếu tiếp tục hành xử như thời gian vừa qua. Và một điều chắc chắn là dư luận quốc tế sẽ tiếp tục lên án các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Hy vọng những diễn biến vừa qua sẽ để lại bài học cho Trung Quốc về cách hành xử của một quốc gia có trách nhiệm trong tương lai.
    Dù sao động thái rút giàn khoan cũng là hành động tạm làm dịu bớt căng thẳng và trước mắt, có thể coi là tín hiệu mới. Tuy nhiên vụ việc bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines là bài học về tinh thần cảnh giác cho Việt Nam. Cũng với lý do thời tiết xấu, hai nước thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng bằng cách cùng rút tàu khỏi bãi cạn, nhưng thay vì nghiêm chỉnh thực hiện thỏa thuận, Trung Quốc đã lập tức cho tàu quay trở lại và kiểm soát Scarborough/Hoàng Nham cho tới nay.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-chuyen-gian-khoan-tq-co-tu-bo-tham-vong-tai-bien-dong-a41508.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan