+Aa-
    Zalo

    Phó Giáo sư Trần Khánh: Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ e ngại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ, Washington xác định một trong hai đối thủ hàng đầu của nước này là Trung Quốc (nước còn lại là Nga).

    Trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ, Washington xác định một trong hai đối thủ hàng đầu của nước này là Trung Quốc (nước còn lại là Nga). Thông điệp này được giới quan sát đánh giá là mang nhiều ý nghĩa và mục đích quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Trần Khánh, viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) về vấn đề này.

    Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ nêu rõ, Trung Quốc và Nga đe dọa lợi ích của Mỹ. Ông đánh giá sao về vấn đề này? Và theo ông, Trung Quốc có thể đe doạ lợi ích gì của Mỹ?

    Dù lên cầm quyền được gần một năm, song đến giờ Tổng thống Mỹ Donald Trump mới thể hiện chính thức quan điểm và chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.

    Có thể thấy những điều mà ông Trump nói trong chiến dịch tranh cử hầu hết được phản ánh trong thông điệp an ninh quốc gia của Mỹ được công bố hôm 18/12.

    Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ có bốn điểm chính: Bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ; Nước Mỹ phải thịnh vượng về kinh tế; Chinh phục thế giới bằng sức mạnh, kể cả sức mạnh quân sự; Mở rộng ảnh hưởng nước Mỹ dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế. Trong thông điệp an ninh quốc gia này có thể thấy ông Trump nhấn mạnh 2 điểm đặc biệt, đó là về an ninh và kinh tế.

    Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Trần Khánh, viện Nghiên cứu Đông Nam Á (viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). 

    Ông Trump lâu nay vẫn theo đuổi mục tiêu nước Mỹ là  trên hết. Ông cho rằng, các đời Tổng thống gần đây nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Thực tế cũng cho thấy, từ khi ông Trump lên cầm quyền, kinh tế Mỹ phát triển rất nhanh.

    Trong chiến lược an ninh, ông Trump cho rằng Nga và Trung Quốc làm xói mòn an ninh Mỹ. Điều này không có gì khó hiểu. Thực tế, Nga đã làm cho kế hoạch ở Trung Đông, ở Đông Âu của Mỹ bị phá sản, làm cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực này như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, trước đây là một khối giờ cũng trở nên hục hặc với nhau.

    Với Trung Quốc, ông Trump từng chỉ rõ rằng nước này đã làm mất cơm trưa, mất việc làm của người Mỹ. Và  thực tế, những năm gần đây thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc đã vươn lên tới vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới, thu nhập theo đầu người GDP đứng đầu thế giới. 

    Tiêu điểm - Phó Giáo sư Trần Khánh: Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ e ngại (Hình 2).

    Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

    Trung Quốc đầu tư vào các công ty then chốt của thế giới, mua các công ty hàng đầu của Mỹ và sự tràn lan của hàng hóa của nước này ở khắp các nước đã đe doạ việc tiêu thụ hàng hóa của Mỹ. Số người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ hàng năm luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong các quốc gia trên thế giới.

    Trung Quốc cũng mở rộng địa bàn hoạt động kinh doanh, đầu tư của nước này vươn sang cả châu Mỹ La tinh. Thương mại của Mỹ và châu Âu nảy sinh nhiều khó khăn, bất đồng cũng một phần bắt đầu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì lẽ đó nên có thể Mỹ suy tính rằng một ngày nào đó nếu không kiềm chế được Bắc Kinh thì Washington sẽ yếu đi.

    Theo ông, việc xác định một quốc gia cụ thể, như Trung Quốc là đối thủ từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ chưa? Và quan hệ Mỹ với Trung Quốc  có bị ảnh hưởng từ chiến lược an ninh này?  

    Có một điều đặc biệt là trong lịch sử Mỹ, khi các lãnh đạo của đảng Cộng hóa lên nắm quyền Tổng thống đều nhắc nhiều đến đối thủ. Thời Chiến tranh Lạnh thì Liên Xô được xác định là đối thủ của Mỹ.

    Năm 2000 khi ông George W. Bush lên cầm quyền, trong thông điệp liên bang ông cũng khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng sau đó ông rút lại tuyên bố này vì khi đó Mỹ cần tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố. Sau sự kiện 11/9/2001 nước Mỹ tuyên bố Trung Quốc là đối tác.

    Với ông Trump từng là doanh nhân, là nhà kinh tế nhiều kinh nghiệm nên ông luôn đề cao đến tính hiệu quả. Ông đánh giá hiệu quả chứ không dựa vào lý thuyết như các đời Tổng thống trước đó. Quan điểm của người làm kinh doanh thường là chấp nhận mạo hiểm, quyết đoán và biết chọn thời cơ. Vậy nên chúng ta hãy chờ xem. 

    Việc nói và làm của các nước lớn trên thế giới đôi khi có khoảng cách. Nhưng với nước Mỹ khoảng cách này được cho là không lớn. Một năm gần đây, ông Trump đã thử nghiệm với đủ các biện pháp cả mềm dẻo, cả cứng rắn với nhiều nước trong đó có Nga, và Trung Quốc. Những gì diễn ra trong một năm qua có thể thấy khó có thể đoán được chính sách của Mỹ. Nhưng thông điệp an ninh mà Mỹ mới công bố có thể thấy khá rõ đường hướng của nước này.

    Chiến lược an ninh của Mỹ cũng có khả năng thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hợp tác với nhau để đối phó Mỹ, nhưng hai nước này vốn khó có thể trở thành đồng minh. Diễn biến ra sao là điều chúng ta phải chờ đợi. 

    Có ý kiến cho rằng, cuộc đối đầu trực diện giữa hai cường quốc làm thay đổi cục diện thế giới hiện giờ không phải là Nga và Mỹ mà là Mỹ và Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

    Rõ ràng khoảng 15 năm trở lại đây cục diện chính trị thế giới đã thay đổi. Trung Quốc từ một cường quốc khu vực, giờ đây thành cường quốc thế giới. Trong khi đó, Nga từ cường quốc thế giới trở thành cường quốc khu vực. Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn đang chuyển động và chưa tạo nên trật tự thế giới mới.

    Thời chiến tranh lạnh thế giới có hai cực rõ ràng, nhưng giờ đây hai cực thế giới chưa rõ. Người Trung Quốc từng đề xuất hình thành thế giới hai cực nhưng chưa được Mỹ đồng ý. Mỹ vẫn luôn bảo vệ vị trí siêu cường số một thế giới của mình.

    Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

    VŨ THU HƯƠNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-giao-su-tran-khanh-su-troi-day-cua-trung-quoc-khien-my-e-ngai-a213840.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan