+Aa-
    Zalo

    Giao tranh nổ ra, người dân Sudan mắc kẹt giữa những sự lựa chọn

    (ĐS&PL) - Giữa cuộc giao tranh tại Sudan, một số người lựa chọn rời khỏi thủ đô Khartoum trong khi số khác quyết định ở lại.

    Vài ngày sau khi giao tranh nổ ra tại Sudan, Dalia Mohamed (37 tuổi) và mẹ phải đối mặt với 2 sự lựa chọn khó khăn là rời khỏi thủ đô Khartoum hay mạo hiểm ở lại. Ngôi nhà của họ nằm ở tâm điểm của cuộc giao tranh, nơi tiếng súng, đạn pháo và tên lửa vang lên liên tục, sớm đã vượt quá sức chịu đựng. Hôm 20/4, họ gói ghém một số vật dụng cơ bản và rời khỏi căn nhà đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng tên lửa.

    “Tôi đã cố trì hoãn việc rời khỏi Khartoum. Tôi vẫn thường xuyên nghe những câu chuyện về người dân bỏ nhà của họ nhưng nó không ảnh hưởng đến tôi cho tới khi chính tôi phải làm điều đó”, Mohamed chia sẻ với Al Jazeera.

    Trong lịch sử, Khartoum từng là điểm đến lý tưởng cho những người chạy trốn khỏi các cuộc nội chiến ở các vùng khác  như Darfur, dãy núi Nuba và Nam Sudan, trước khi Nam Sudan trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2011.

    Hiện tại, nơi đây lại là tâm điểm của cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Hai bên đã thiết lập các trạm kiểm soát và xảy ra đụng độ, dẫn đến số người thiệt mạng ngày càng tăng và làm trầm trọng tình trạng thiếu lương thực, điện nước.

    nguoi dan sudan doi mat nhung lua chon kho khan khi giao tranh no ra1
    Khung cảnh hoang vắng tại thủ đô Khartoum (Sudan). Ảnh: AFP

    Điều kiện sống khốn khổ đã dẫn đến cuộc di cư quy mô lớn, biến Khartoum - thành phố nhộn nhịp với 5 triệu cư dân thành nơi giống như “thị trấn ma”.

    Mohamed nói: “Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi từng phải đưa ra. Ngay cả bây giờ, nếu ai đó nói với tôi rằng khu vực đó an toàn và chúng tôi có thể quay lại thì chúng tôi sẽ quay lại ngay. Tuy nhiên, chúng tôi không thể”.

    Rời khỏi Khartoum

    Những người di tản khỏi Khartoum đang hướng đến thành phố Port Sudan ở phía Đông. Khu vực này tương đối an toàn, có các tuyến đường biển nối với Djibouti và Ai Cập.

    Một số người khác lại lái xe về Ai Cập ở phía Bắc, dù chỉ trẻ em, người già và phụ nữ mới được vào nước này mà không cần visa. Nam giới Sudan từ 16-49 tuổi phải nộp đơn xin visa trước một ngày ở lãnh sự quán Ai Cập tại Wadi Halfa, một thành phố gần biên giới.

    Yêu cầu này có thể khiến các gia đình bị chia cắt trong thời gian ngắn. Nhiều người phải nói lời tạm biệt với con trai, anh em và cha của họ với hy vọng gia đình sẽ sớm được đoàn tụ.

    Al Jazeera dẫn lời một số người di tản đến Ai Cập cho hay, các con đường đến đây không thực sự an toàn sau các báo cáo rằng các binh sĩ thuộc RSF đang dùng súng cướp bóc và trấn lột những xe đi ngang qua.

    Tình hình an ninh khiến những cuộc di tản gặp nhiều khó khăn. Đang ở tại London (Anh), Shaima Ahmed cố gắng thuyết phục bố mẹ và anh chị em rời thủ đô Khartoum. Tuy nhiên, cô gái 27 tuổi cho biết rất khó để khuyên gia đình khi cô không ở trong nước.

    Amed chia sẻ: “Thật sự căng thẳng khi không thể cung cấp cho gia đình thông tin đáng tin cậy. Tôi muốn họ đến Ai Cập nhưng không thể thúc ép quá mức. Bất cứ chuyện gì xảy đến với họ sẽ là lỗi của tôi”.

    Raga Makawi, công dân Anh gốc Sudan, đang thăm gia đình tại Khartoum thì giao tranh nổ ra. Theo Raga, việc tìm phương thức di chuyển không hề dễ dàng. Khi các trạm xe buýt ngừng hoạt động và các phương tiện nhỏ không được trang bị đầy đủ cho hành trình, các gia đình cần cố gắng tự tìm xe buýt cũng như những tài xế biết cách tránh các trạm kiểm soát của RSF.

    “Tính tới 1 tiếng trước, chi phí cho một chiếc xe buýt lớn đi từ Khartoum tới Cairo là 10.000 USD. Vài ngày trước giá chỉ là 4.000 USD nhưng tài xế có thể hô bất cứ giá nào họ muốn và mọi người sẽ trả tiền để bảo đảm tính mạng”, Makawi nói với Al Jazeera vào đêm trước khi cô lên đường đến Ai Cập.

    Mạo hiểm ở lại

    Cuộc chiến ở Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình khi một số người quyết định ở lại, còn những người thân yêu của họ quyết định rời đi. Dania Atabani (23 tuổi) kể, cha mẹ, dì và anh em họ của cô đều rời thủ đô nhưng cô ở lại để chăm sóc ông bà và giúp đỡ những việc có thể.

    Theo chia sẻ của Dania, hiện giờ cô gần như không thể nhận ra thành phố Khartoum lúc trước. “Tôi nhớ thời điểm mình còn là một cô gái 23 tuổi bình thường với những ước mơ, không phải chạy trốn xe tăng”, cô nói.

    nguoi dan sudan doi mat nhung lua chon kho khan khi giao tranh no ra
    Khói bốc lên sau một vụ nổ ở thủ đô Khartoum hôm 19/4 vừa qua. Ảnh: AP

    Những người trẻ tuổi khác như Sammer Hamza (26 tuổi) vẫn chưa quyết định nên rời đi hay ở lại. Các cuộc đụng độ tiếp tục leo thang tại khu vực cô sinh sống, khiến việc ra ngoài trở nên nguy hiểm. Ngay cả khi hành trình di tản trở nên an toàn hơn, Hamza cho hay việc rời khỏi nhà và thành phố sẽ là lựa chọn khó khăn nhất mà cô phải đưa ra.

    “Tôi thực sự không muốn rời khỏi nhà. Tôi đã hy vọng rằng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra tại Sudan. Tôi cũng hy vọng chiến tranh không bao giờ xảy ra ở Khartoum”, Hamza cố kìm nước mắt khi nói với Al Jazeera.

    Đinh Kim(Theo Al Jazeera)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-tranh-no-ra-nguoi-dan-sudan-mac-ket-giua-nhung-su-lua-chon-a573438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan