+Aa-
    Zalo

    Huế: Người dân “điêu đứng” với khu tái định cư thủy điện A Lưới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)–Gần 10 năm trời không có đất sản xuất, khu tái định cư ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa hè khiến bà con ở khu tái định cư thủy điện A Lưới trở nên "điêu đứng"

    (ĐSPL) – Gần 10 năm trời không có đất sản xuất, khu tái định cư ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa hè khiến bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở khu tái định cư thủy điện A Lưới, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

    Theo phản ánh của bà con tộc Pa Cô, Tà Ôi ở xã Hồng Thượng, huyện miền núi A Lưới, từ ngày nhường đất để xây dựng thủy điện A Lưới, họ lên khu tái định cư sinh sống nhưng sau gần 10 năm họ vẫn không có đất sản xuất, nhà cửa thì xuống cấp nghiêm trọng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

    Toàn cảnh hai thôn A Đên và A Xáp ở khu tái định cư thủy điện A Lưới, xã Hồng Thượng.

    Trước đây, vùng đất họ sinh sống thuộc khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới ở xã Hồng Thượng và xã Hồng Thái khá màu mỡ. Ngoài việc canh tác hoa màu, lúa nước, người dân còn đào ao thả cá mỗi năm thu nhập cũng có của ăn của để.

    Đến năm 2007, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về việc xây dựng nhà máy thủy điện, những hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ đã đồng ý di dời về khu tái định cư thủy điện A Lưới. Thế nhưng, khi đến nơi ở mới, người dân không khỏi giật mình vì khu tái định cư không hoàn hảo như những lời “tô vẽ” của chủ đầu tư trước đó.

    Khu vực tái định cư được bố trí tại vùng đất lồi lõm với những hố bom “khổng lồ” sót lại từ thời chiến nhưng không được chủ đầu tư san lấp. Bên cạnh đó, nhà cửa xuống cấp trầm trọng. Hộ nào có điều kiện thì bỏ thêm kinh phí nâng cấp, sửa chữa lại, còn hộ nào không có thì đành sống nơm nớp trong những ngôi nhà bị nứt toác.

    Những vết nứt dài trên ngôi nhà của dự án bàn giao cho bà con nơi đây có trị giá 130 triệu đồng đã xuống cấp.

     

    Để đảm bảo tính mạng, bà con phải tự bỏ tiền ra để sửa chữa lại căn nhà.

    Không chỉ nhà cửa xuống cấp, người dân nơi đây còn gặp khó khăn do đất được cấp quá cằn cỗi, mương thủy lợi vô tác dụng do không có nước để dẫn về. Người dân lại không có phương tiện hỗ trợ để khai hoang trồng loại cây trồng khác nên rất khó phát triển sản xuất. Để kiếm kế sinh nhai, người dân đành phải đi làm thuê các nghề như bóc vỏ tràm và phụ thợ nề. Công việc và thu nhập bữa đực bữa cái nên không thể cải thiện đời sống.

    Ông Hồ Văn Võ (54 tuổi, trú xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) bức xúc cho biết, phần lớn các hộ dân không muốn sinh sống ở nơi này nữa. Nhiều người muốn bán nhà để đi nơi khác sống nhưng không có ai mua. Những ngôi nhà được định giá 130 triệu đồng, nhưng không bằng một căn nhà tạm bợ.

    "Chúng tôi lên đây từ năm 2007 nhưng không có đất sản xuất, họ chỉ hỗ trợ 3 tháng đầu tiên với 40kg gạo trên đầu người. Thanh niên trong làng đa số không có việc làm nên bỏ địa phương vào nam để kiếm sống. Nơi đây, giờ chỉ toàn là người già và trẻ nhỏ” - Ông Võ nói.

    Những thửa ruộng toàn đá to không thể trồng lúa được với hệ thống kênh mương thủy lợi vô tác dụng do không có nước để dẫn về.

    Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Khứa, Trưởng thôn A Xáp cho biết: "Vùng đất thuộc khu tái định cư là vùng đất lồi lõm toàn hố bom, nhưng không được san lấp. Khi người dân ý kiến, đơn vị có hứa sẽ cải tạo lại nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Về mùa mưa, người dân bị cô lập, nhiều người phải sang nhà khác để ở tạm".

    Năm 2014, chính quyền có mời một kĩ sư về khảo sát đất ruộng để tìm cây trồng phù hợp. Họ kết luận vùng đất này nên trồng ngô và sắn rồi hỗ trợ giống cho bà con nhưng chỉ một thời gian ngắn cây ngô chết khô do quá khô hạn, cây sắn thì không cho năng suất, ông Khứa thông tin thêm.

    Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới trao đổi với PV.

    Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho biết: “Khi tiến hành bố trí khu tái định cư bên phía thủy điện A Lưới do không thông qua nhân dân và chính quyền xã nên không phù hợp với thực tế. Nhiều cuộc họp giải trình, lấy ý kiến cử tri, xã đều mời đại diện phía thủy điện nhưng không có ai tham dự”.

    Bên cạnh tình trạng nhà cửa xuống câp hư hỏng, thiếu đất sản xuất, thì việc các công trình phúc lợi xã hội bị hư hỏng bỏ hoang cũng khiến bà con bức xúc. Trường học xây xong nhưng không có giáo viên trở thành nơi chăn bò, trạm y tế không được bố trí y bác sĩ khiến con em ốm đau phải về nơi ở cũ hoặc đến xã Phú Vinh, huyện A Lưới để khám chữa bệnh.

    Chúng tôi sẽ phản ánh tình trạng này trong bài viết sau.

    Phi Hoàng - Đình Tuấn

    Nguồn: Người đưa tin

    [mecloud]yRjr2qcxRf[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hue-nguoi-dan-dieu-dung-voi-khu-tai-dinh-cu-thuy-dien-a-luoi-a142788.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan