+Aa-
    Zalo

    Là nhân vật quyền lực thứ ba trong chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hạ viện có những vai trò nào?

    (ĐS&PL) - Nếu xảy ra thảm họa khiến tổng thống và phó tổng thống mất khả năng lãnh đạo, Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ là người tạm thời đứng đầu chính phủ.

    Vai trò của Chủ tịch Hạ viện Mỹ là gì?

    Theo thông tin trên VnExpress, trong lịch sử, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thường thuộc đảng chiếm đa số tại Hạ viện và cũng là lãnh đạo của đảng này. Tuy nhiên, đây không phải là yêu cầu bắt buộc.

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ có nhiệm kỳ 2 năm, theo khóa quốc hội. Quốc hội Mỹ hiện tại là khóa 118, nhiệm kỳ ngày 3/1/2023 đến 3/1/2025, với việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. 

    Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể về nhiệm vụ của Chủ tịch Hạ viện nhưng theo thời gian, vai trò của vị trí này ngày càng lớn. Được biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thường có ba vai trò chính.

    Thứ nhất, đây là người đại diện và có thẩm quyền nhất của đảng đa số ở Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện sẽ diễn giải các động thái lập pháp với giới chức cũng như công chúng Mỹ, giám sát nhiệm vụ của các ủy ban, phối hợp với Ủy ban Quy tắc Hạ viện để tổ chức tranh luận.

    Thứ hai, Chủ tịch hạ viện quản lý các hoạt động ở cơ quan này, điều phối tranh luận theo hướng có lợi cho ưu tiên lập pháp của đảng mình, quyết định bỏ phiếu với dự luật nào.

    Thứ ba, Chủ tịch Hạ viện sẽ giám sát mọi vấn đề, từ kiểm toán cho đến mua sắm, bổ nhiệm nhân sự tại cơ quan. Hai Chủ tịch Hạ viện gần đây nhất còn mở các cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

    la nhan vat quyen luc thu ba trong chinh phu my chu tich ha vien co nhung vai tro nao1
    Một phiên họp của Hạ viện Mỹ diễn ra hôm 4/1. Ảnh: Reuters

    Tùy thuộc đảng nào kiểm soát Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện có thể quyết định thành bại chương trình nghị sự của tổng thống, cản trở phe đối lập và dẫn dắt những sáng kiến lập pháp quan trọng của đảng mình.

    Trong chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực thứ ba, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Trong trường hợp xảy ra thảm họa khiến tổng thống và phó tổng thống mất khả năng lãnh đạo, Chủ tịch Hạ viện sẽ là người tạm thời đứng đầu chính phủ.

    Cần bao nhiêu phiếu bầu để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ?

    Bầu ra Chủ tịch Hạ viện là công việc đầu tiên khi cơ quan này bắt đầu khóa mới. Ứng viên cần nhận được sự ủng hộ của quá bán nghị sĩ, tức ít nhất 218 phiếu trong tổng số 435 ghế tại Hạ viện. Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện với 221 ghế, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát 212 ghế.

    Theo quy định của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện không bắt buộc phải là nghị sĩ đương nhiệm. Tuy nhiên, chưa từng có người nào không phải nghị sĩ được bầu giữ chức vụ này trong lịch sử Mỹ.

    Việc bầu chủ tịch nói trên thường là công việc mang tính chất nội bộ của đảng chiếm đa số, vì thế ứng viên khó kỳ vọng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phe đối lập.

    Chủ tịch Hạ viện được kỳ vọng là người có khả năng tập hợp sự ủng hộ từ các thành viên với chương trình nghị sự đảng mình, kiểm soát những nghị sĩ nổi loạn bằng biện pháp khuyến khích hoặc trừng phạt.

    Hạ viện sẽ không thể thực hiện các chức năng quan trọng của mình nếu không có chủ tịch. Do đó, cơ quan này sẽ phải liên tục bỏ phiếu bầu cho đến khi chọn ra người phù hợp cho vị trí này.

    Ai sẽ là Chủ tịch Hạ viện sau khi ông McCarthy bị bãi nhiệm?

    RT đưa tin, ngày 3/10 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu bãi nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện của ông Kevin McCarthy, với 216 phiếu đồng ý và 210 phiếu phản đối. Ngay sau đó, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick McHenry được bổ nhiệm làm Chủ tịch lâm thời của Hạ viện Mỹ.

    Do là Chủ tịch lâm thời nên quyền lực của ông McHenry rất hạn chế với thời gian giới hạn, chỉ khoảng ba ngày lập pháp. Ngày lập pháp được xác định là ngày Hạ viện hoặc Thượng viện có phiên họp.

    Vai trò của quyền chủ tịch Hạ viện cũng rất mơ hồ. Theo hướng dẫn và quy trình tại Hạ viện, quyền chủ tịch "có thể thực thi quyền hạn của chủ tịch Hạ viện khi cần thiết và phù hợp trong lúc chờ bầu tân lãnh đạo".

    Theo chia sẻ của Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Armstrong, nhiệm vụ chính của ông McHenry là "tìm tân chủ tịch", bất kể hành động nào khác đều sẽ dẫn đến việc bị bãi nhiệm.

    la nhan vat quyen luc thu ba trong chinh phu my chu tich ha vien co nhung vai tro nao2
    Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu bãi nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện của ông Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

    Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Guardian cho biết, Đảng Cộng hòa đã ấn định cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/10 tới để chọn ra người kế nhiệm ông McCarthy. Đồng thời, đảng này dự kiến sẽ gặp nhau 1 ngày trước đó để lắng nghe ý kiến của các ứng cử viên.

    Ông McCarthy sẽ không tái tranh cử sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Hạ viện. Trong khi đó, hôm 4/10, hai Hạ nghị sĩ Jim Jordan và Steve Scalise của Đảng Cộng hòa đều tuyên bố sẽ tranh cử vị trí này.

    Được biết, Hạ nghị sĩ Jim Jordan (59 tuổi) đang là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp, còn Hạ nghị sĩ Steve Scalise (57 tuổi) là lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện. Cả hai đều được đánh giá là có khả năng thay thế ông McCarthy.

    “Chúng ta đang ở ngã rẽ quan trọng trong lịch sử đất nước. Giờ là lúc Đảng Cộng hòa cùng nhau giữ lời hứa với người dân Mỹ. Bất kể chúng ta làm gì, cũng phải hành động cùng nhau. Tôi mong mọi người ủng hộ tôi cho vị trí Chủ tịch Hạ viện”, Hạ nghị sĩ Jordan viết trong bức thư tới các đồng nghiệp hôm 4/10 thông báo về ý định tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện. Ông cũng cam kết sẽ đoàn kết phe Cộng hòa ở cơ quan lập pháp này.

    XEM THÊM: Cựu Tổng thống Donald Trump nói gì khi được đề cử làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ?

    Về phía Hạ nghị sĩ Scalise, ông nói rằng bản thân có kinh nghiệm cần thiết để đoàn kết đảng Cộng hòa, sau khi phục vụ trong nhóm lãnh đạo của đảng này tại Hạ viện trong 10 năm qua.

    Trong thư gửi đến  các đồng nghiệp thông báo về ý định tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện, ông viết: “Tôi có thành tích đã được chứng minh trong việc tập hợp nhiều quan điểm đa dạng trong đảng của chúng ta để tạo sự đồng thuận mà nhiều người cho là không thể”.

    Cựu Tổng thống Trump có tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện?

    VTC News dẫn thông tin trên tờ USA Today cho hay, ngay sau khi ông McCarthy bị bãi nhiệm, nghị sĩ Troy Nehls của Texas thuộc phe đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cho biết ông đề cử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào vị trí Chủ tịch Hạ viện và sẽ thúc đẩy điều này càng sớm càng tốt.

    “Khi Hạ viện nhóm họp lại, nhiệm vụ đầu tiên của tôi sẽ là đề cử Donald Trump làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiếp theo”, ông Nehls nói, thậm chí còn mô tả ông Trump là vị Tổng thống Mỹ vĩ đại nhất trong đời ông, có thành tích đã được chứng minh là đặt nước Mỹ trên hết và sẽ khiến Hạ viện vĩ đại trở lại.

    Tương tự, nghị sĩ đảng Cộng hòa Greg Steube của Florida cũng nêu tên cựu Tổng thống Trump là người kế nhiệm ông McCarthy trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

    Nghị sĩ đảng Cộng hòa Andy Ogles của bang Tennessee còn thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến nhằm kêu gọi ủng hộ ông Trump ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện.

    Trước sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, hôm 4/10, ông Trump nói sẽ làm những gì có thể để giúp đảng này, không hoan nghênh ý tưởng đề cử ông vào ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đồng thời nhấn mạnh đảng Cộng hoà có những “người tuyệt vời” có thể đảm đương vị trí Chủ tịch Hạ viện.

    la nhan vat quyen luc thu ba trong chinh phu my chu tich ha vien co nhung vai tro nao
    Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trọng tâm của ông là trở thành tổng thống. Ảnh: Reuters

    “Rất nhiều người đã gọi cho tôi về khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện. Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì tốt nhất cho nước Mỹ và đảng Cộng hòa… Chúng tôi có một số người tuyệt vời", cựu tổng thống chia sẻ.

    Trước khi bước vào phòng xử án ở New York để lấy lời khai ngày thứ ba trong phiên tòa dân sự gian lận ngân hàng, ông Trump cũng nhấn mạnh: “Trọng tâm của tôi - toàn bộ trọng tâm của tôi, là trở thành tổng thống”.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/la-nhan-vat-quyen-luc-thu-ba-trong-chinh-phu-my-chu-tich-ha-vien-co-nhung-vai-tro-nao-a593992.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan