+Aa-
    Zalo

    MH17: Những bài học từ vụ rơi máy bay Malaysia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Từ thảm kịch MH17, người ta đặt ra câu hỏi rằng các phi công có được quyền tự ý thay đổi đường bay nếu máy bay có khả năng bị đe dọa từ bên ngoài?

    (ĐSPL) – Từ thảm kịch MH17, người ta đặt ra câu hỏi rằng các phi công có được quyền tự ý thay đổi đường bay nếu máy bay có khả năng bị đe dọa từ bên ngoài?
    Air France, British Airways, Singapore Airlines và một số hãng hàng không khác đã ngừng bay trong khu vực chiến sự ở miền đông Ukraina từ vài tháng trước. Một số hãng hàng không như Lufthansa của Đức chỉ mới thay đổi đường bay đến Châu Á sau sự cố chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi ở Ukraina khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn tử nạn.
    Sau khi không phận Ukraina buộc phải đóng cửa, các hãng hàng không hiện đã phải lựa chọn đường bay khác hướng lên phía bắc hoặc dịch hẳn xuống phía nam. Đây là một điều khá hy hữu bởi không phận Ukraina là một trong những đường bay chính của các máy bay thương mại.
    Phi công phải là người có tiếng nói quyết định cuối cùng
    Nhà báo và là chuyên gia về ngành hàng không Tim van Beveren nói rằng sự an toàn của chuyến bay và lợi nhuận là điều mà các hãng hàng không quan tâm nhất khi lựa chọn đường bay qua khu vực xảy ra chiến tranh. Van Beveren tin rằng nhiều hãng hàng không đã chấp nhận rủi ro để tiết kiệm chi phí bay. “Đáng tiếc rằng lợi nhuận thường đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không”, van Beveren nói với Deutsche Welle (Làn sóng Đức).
    MH17: Những bài học từ vụ rơi máy bay Malaysia

    Chuyến bay tử nạn MH17 đã bị điều khiển bay lệch so với 10 chuyến bay trước đó hàng trăm cây số.

    Để giảm thiểu tối đa chi phí, các hãng hàng không thương mại thường chọn con đường ngắn nhất từ địa điểm A đến địa điểm B. Nhưng van Beveren chỉ ra rằng phi công trên máy bay cũng có tiếng nói riêng: “Phi công hoàn toàn có quyền nói rằng tôi sẽ không lựa chọn đường bay này qua khu vực giao tranh”. Ông Ken Thomas từ Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol xác nhận rằng phi công phải là người có tiếng nói cuối cùng.
    Nhiều hãng hàng không chỉ chấp nhận phi công được quyền thay đổi lộ trình do những yếu tố liên quan đến thời tiết và các mối đe dọa trực tiếp. Nhưng nếu phi công nói rằng họ không muốn bay qua khu vực xác định nào đó, họ sẽ có quãng thời gian khó khăn thuyết phục các nhân viên ở dưới mặt đất.
    Phi công của hãng hàng không Lufthansa Jörg Handwerg cũng thừa nhận rằng phi công sẽ phải đưa ra lý do hết sức thuyết phục, đặc biệt trong trường hợp các hãng hàng không khác vẫn sử dụng đường bay này.
    Độ cao 10.000m từng được coi là an toàn
    Các quốc gia có quyền quyết định đường bay qua không phận của họ là an toàn hay không để đưa ra quyết định cho các máy bay chở khách bay trong không phận đó. Trước vụ tai nạn MH17, không phận Ukraina đã cấm các máy bay dân sự bay ở độ cao dưới 10.000m nhưng vẫn mở cửa cho các chuyến bay vượt lên trên độ cao này.
    Thành viên của Hiệp hội phi công Đức Handwerg nói rằng các phi công được cảnh báo không hạ cánh ở các sân bay miền đông Ukraina vì chiến sự dưới mặt đất. Tuy nhiên, họ không được cảnh báo và các mối đe dọa ở độ cao hơn 10.000m bởi các máy bay dân sự thường không là mục tiêu trong các khu vực giao tranh.
    MH17: Những bài học từ vụ rơi máy bay Malaysia
    Handwerg cho rằng kể từ sau sự cố MH17, các phi công sẽ cảnh giác hơn với những đường bay qua khu vực chiến sự
    Handwerg kết luận rằng sự cố với chuyến bay MH17 sẽ khiến phi công trở nên cảnh giác hơn với những hiểm họa tiềm tàng. “Tôi và những phi công sẽ đưa ra quyết định dựa trên đường bay và điểm đến trong tương lai”. Nếu như phải bay qua khu vực chiến sự mà không có lựa chọn nào khác, Handwerg cho rằng các máy bay dân sự cần có cơ chế né đạn tên lửa, giống như với các máy bay quân sự.
    Những mối nguy hiểm khác
    Handwerg cũng bày tỏ lo ngại với việc ngày nay bất kỳ ai cũng có thể xác định vị trí, đường bay của các máy bay thương mại, thậm chí là cả tốc độ và độ cao. “Thông tin chuyến bay được gửi về đài kiểm soát không lưu dưới mặt đất không hề được mã hóa”. Các thông tin này hoàn toàn có thể đến tay những kẻ khủng bố khiến chuyến bay gặp nguy hiểm.
    Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn ở miền đông Ukraina mặc dù có nhiều bằng chứng cho rằng máy bay đã trúng phải tên lửa một cách ngẫu nhiên.
    Khi được hỏi về không phận quốc gia nào khác ngoài Ukraina có thể tạo nên mối đe dọa với các máy bay thương mại, chuyên gia Van Beveren nhận định đó là Israel. “Israel đang giao tranh với các tay súng Hamas ở Dải Gaza và việc bắn hạ một máy bay dân sự chỉ là chuyện nằm trong lòng bàn tay”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mh17-nhung-bai-hoc-tu-vu-roi-may-bay-malaysia-a42074.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan