+Aa-
    Zalo

    Muôn vàn lý do “hội ngộ” của các cặp nam thanh, nữ tú thích bạo lực

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để ngăn chặn được hành vi phạm tội của những đứa trẻ, không thể dùng biện pháp mạnh mà cần hơn đó là sự quan tâm, giáo dục của chính gia đình, nhà trường, ngăn chặn những mâu thuẫn “từ trên trời rơi xuống” nhưng lại dẫn đến hậu quả khôn lường.

    Muôn vàn lý do “gây chiến”

    Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội khi đang ngồi trên ghế nhà trường, cùng với việc tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng gia tăng.

    Mới đây, Cơ quan chức năng TP Hải Phòng vừa ra quyết định khởi tố 17 thanh, thiếu niên có hành vi đánh nhau, đua xe máy rồi tấn công cảnh sát trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ và quận Kiến An.

    muon van ly do hoi ngo cua cac cap nam thanh nu tu thich bao luc 3
    Các đối tượng lao ra đường huyết chiến.

    Theo thông tin từ Công an TP Hải Phòng, Nguyễn Đăng Đ. (16 tuổi, ở tại thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc) có mâu thuẫn với Bùi Xuân L. (18 tuổi, ở xã Minh Tân, cùng huyện Kiến Thụy). Cả hai hẹn tối ngày 13/8 sẽ gặp, đánh nhau tại khu vực bờ hồ thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thuỵ).

    Khoảng 20h ngày 13/8, Nguyễn Đăng Đ. tập hợp được 19 thanh, thiếu niên để đi tìm nhóm Bùi Xuân L. “gây chiến”.

    Hung khí mà các đối tượng chuẩn bị trước khi “nghênh chiến” là 1 ba lô chứa vỏ chai thủy tinh, ống tuýp sắt có gắn dao bầu.

    Tại khu vực xã Minh Tân (huyện Kiến Thuỵ), nhóm của Đ. đã “chập” được nhóm Bùi Xuân L. đi trên khoảng 30 xe máy. Tại đây, cả hai nhóm đã dùng chai thuỷ tinh ném vào nhau.

    Cả khu phố trở lên hỗn loạn. Khi đến Ngã 5 – Kiến An, nhóm đối tượng bị Tổ công tác HP22 - Công an TP Hải Phòng phát hiện, chặn bắt. Thấy lực lượng công an, nhóm thanh, thiếu niên này dùng chai thuỷ tinh ném về phía lực lượng công an trước khi bỏ chạy.

    Chưa hết, khi bị Tổ công tác chặn bắt, 1 thanh niên đã lao thẳng xe máy vào Tổ công tác, cắn vào tay cán bộ chiến sĩ công an khi bị bắt giữ nhằm mục đích bỏ trốn. 1 đối tượng khác được xác định đã có hành vi lao thẳng xe máy vào xe máy của Tổ công tác, làm hỏng một xe máy của Tổ công tác HP22.

    Sau quá trình xác minh, điều tra làm rõ, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 17 thanh, thiếu niên trong nhóm Nguyễn Đăng Đ. để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

    Hay một vụ vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vào những ngày đầu tháng 8/2022 là cuộc “hội ngộ” của gần 20 nam thanh, nữ tú, mà nguyên nhân xuất phát từ những lời chửi bới trên mạng xã hội của 2 cô gái - bạn gái mới và bạn gái cũ của một nam thanh niên.

    2 cô gái đều ở độ tuổi sinh năm 2006, đều gọi thêm bạn bè cùng đến tham gia “chiến đấu” và trong số đó, có đối tượng đã mang theo hung khí.

    Vụ việc may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng và cả 2 bên gia đình đều có đơn xin bãi nại, nên đến thời điểm này, cơ quan công an cũng không đề cập xử lý.

    Biện pháp ngăn chặn và xử lý

    Thông tin từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân:

    Một là, từ phía gia đình: Gia đình là yếu tố có hảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong thời kì thơ ấu. Phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, cha mẹ ly hôn, ly thân, trong gia đình thường xảy ra bạo lực hoặc việc quản lý, giáo dục trẻ chưa phù hợp, thiếu quan tâm đến trẻ, để trẻ em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp....

    muon van ly do hoi ngo cua cac cap nam thanh nu tu thich bao luc 2
    Hung khi thu giữ được tại hiện trường.

    Hai là, từ phía nhà trường: Trường học chính là nơi rèn luyện tri thức, nền tảng đạo đức, giúp uốn nắn nhân cách của mỗi con người. Do đó,nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em, tuy nhiên công tác giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các em có biểu hiện vị phạm pháp luật…

    Ba là, từ phía xã hội: Do mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp; môi trường xã hội không lành mạnh, tác động của sự du nhập của văn hóa, phim ảnh bạo lực và tệ nạn ma túy, cờ bạc, lối sống thực dụng, hưởng thụ, đã ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của người chưa thành niên,…

    Bốn là, từ phía người chưa thành niên: phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn, họ chưa tự làm chủ được bản thân nên dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật; Mặt khác, do các em nhận thực còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa biết các ứng xử giải quyết các tình huống khi xung đột; thiếu sự quản lý, giáo dục, quan tâm, không định hướng được tương lai dẫn đến những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, quan hệ xã hội mà vi phạm pháp luật.  

    Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong quần chúng nhân dân nhất là thanh thiếu niên chưa được coi trọng đúng mức, còn thiếu cả về bề rộng và chiều sâu. Do vậy, một bộ phận không nhỏ đối tượng là người chưa thành niên khi thực hiện hành vi mà không biết rằng đó là hành vi phạm tội.

    Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự còn nhiều yếu kém, bất cập, thiếu toàn diện, sâu sát như quản lý đối tượng tại cộng đồng dân cư, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, có nhiều trường hợp đối tượng đi khỏi địa phương nhiều tháng đến khi có thông báo về việc bắt đối tượng phạm tội của Công an địa phương khác thì chính quyền địa phương mới nắm được việc đi khỏi địa phương của đối tượng, đây chính là một trong những sơ hở làm tội phạm nảy sinh, tồn tại và phát triển.

    Về biện pháp xử lý, chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhìn nhận, có những đứa trẻ phạm tội trong một số vụ án xảy ra trên địa bàn thời gian qua chưa đủ 16, hoặc từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi và đây đều là những người được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

    “Trẻ chưa đủ 16 tuổi thậm chí còn không ra quyết định xử phạt hành chính bằng tiền mà chỉ cảnh cáo hoặc trẻ trong độ tuổi từ 16-18 mức xử phạt hành chính chỉ bằng 1/2 mức thông thường” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cho hay.

    Trong khi đó, hành vi của các đối tượng cũng không phải thuộc mức độ phạm tội ít nghiêm trọng.

    Cùng có ý kiến về nội dung này, chỉ huy CAQ Long Biên (Hà Nội) cho hay: “Việc những đứa trẻ chưa thành niên bỏ học, kéo lê hung khí là những con dao phóng gắn kèm tuýp sắt, hay vỏ chai bia, dao kiếm để đi hỗn chiến thật sự đe dọa tính mạng không chỉ của chính các đối tượng, mà còn của người đi đường và có thể xếp vào loại hành vi nguy hiểm. Song căn cứ vào chính sách pháp luật dành cho trẻ chưa thành niên, hầu hết các hành vi vi phạm đều bị xử lý ở mức nhẹ nhất, tạo điều kiện cho các em được làm lại cuộc đời với tương lai rộng mở ở phía trước”.

    Cùng với đó, các gia đình vì tương lai của những đứa trẻ đều tự nguyện hòa giải, làm đơn bãi nại cho đối tượng gây thương tích cho con em mình.

    Với sự nghiêm minh của pháp luật, hành vi phạm tội phải bị xử lý nhưng vẫn “nương tay” với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, vô lo, vô nghĩ.

    Thực tế hiện nay, một bộ phận trẻ chưa thành niên thiếu sự quản lý của gia đình, không quan tâm đến con cái mình làm gì, chơi với ai.

    Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến những đứa trẻ phải học online trong thời gian 2 năm qua đã khiến việc tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài hạn chế, mâu thuẫn trên mạng xã hội gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà nạn nhân và thủ phạm đều là những đứa trẻ.

    Là người gánh trên vai trọng trách bảo vệ pháp luật, mới đây, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng có buổi làm việc với 4 bị can vị thành niên táo tợn Cướp tài sản. Luật sư Thơm cho biết: Các bị can bỏ nhà, tụ tập chơi Game tại quán Internet. Để có tiền tiêu sài, trả tiền net, các bị can lên kế hoạch chuẩn bị phương tiện xe máy, hung khí đi chiếm đoạt tài sản của người dân đi đường vào rạng sáng trên các tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Võ Chí Công, Trung Kính,... Các đối tượng đã chiếm đoạt được nhiều xe máy Hondo Wave, Vision để dễ tiêu thụ với giá từ 4 -5 triệu.

    Hành vi phạm tội của các đối tượng đã bị Đội điều tra trọng án CATP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.

    Đối với các đối tượng mua xe máy không giấy tờ đã bị khởi tố về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS.

    Luật sư Thơm khuyến cáo “Mọi người cần cẩn trọng đi đêm một mình trên các tuyến đường vắng, kể cả các lái xe máy công nghệ. Bị hại trong vụ án này đều là nam giới đi xe máy một mình, nếu chống cự, giữ xe bằng được thì dễ bị các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ lực, hung khí...”.

    Do đó, để ngăn chặn được hành vi phạm tội của những đứa trẻ, không thể dùng biện pháp mạnh mà cần hơn đó là sự quan tâm, giáo dục của chính gia đình, nhà trường, ngăn chặn những mâu thuẫn “từ trên trời rơi xuống” nhưng lại dẫn đến hậu quả khôn lường.

    Tư Viễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-van-ly-do-hoi-ngo-cua-cac-cap-nam-thanh-nu-tu-thich-bao-luc-a548689.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan