Người Việt chi 3 tỷ đô mua nhà ở Mỹ: Chính sách ngoại hối có lỗ hổng?


Thứ 3, 25/07/2017 | 22:57


Theo phân tích của Luật sư Lê Hồng Lam, việc chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh chính thống của pháp luật về ngoại hối, pháp luật về đầu tư thì không có vấn đề gì.

Theo phân tích của Luật sư Lê Hồng Lam, việc chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh chính thống của pháp luật về ngoại hối, pháp luật về đầu tư thì không có vấn đề gì.

Tiền có thể được chuyển đi thông qua các kênh nào?

Liên quan tới con số 3 tỷ đô mà người Việt chi mua nhà ở Mỹ, lý giải việc tiền Việt có thể "xuất ngoại" bằng cách nào, Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, không dễ để chuyển tiền theo con đường hợp pháp ra nước ngoài để mua bất động sản tại các nước phát triển, vì số tiền thường là rất lớn. Lượng tiền được chuyển ra nước ngoài phải quy đổi thành ngoại tệ và được kiểm soát theo mục đích chuyển tiền theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP, người gửi tiền phải được Tổ chức tín dụng hoặc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và cấp chứng từ trước khi thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài. Đồng thời, việc mang tiền mặt là ngoại tệ qua các cửa khẩu quốc tế đối với số tiền trên 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương, tiền VNĐ trên 15 triệu phải khai báo và xuất trình chứng từ theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN. Nên thông thường, phương thức phổ biến nhất mà người Việt áp dụng, đó là chuyển tiền cho người thân hoặc con cái đang du học và sử dụng tiền đó thanh toán tiền mua nhà.

Ngoài ra, cá nhân người Việt có thể tham gia vào các dự án ở nước ngoài, để thực hiện mục đích đầu tư ra nước ngoài, và chuyển tiền ra nước ngoài. Đây là hình thức rất phổ biến để thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài. Các công ty đa quốc gia tại các thiên đường thuế sẽ “mở” các dự án đầu tư tại các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc … Tiếp theo, các công ty này sẽ làm dịch vụ để những cá nhân trong nước có nhu cầu tham gia đầu tư và qua đó, chuyển được dòng tiền một cách hợp pháp sang nước ngoài và thông qua việc đầu tư để hợp thức hóa tài sản tại nước sở tại, từ đó có thể tiến hành mua bất động sản tại quốc gia này.

Tại Việt Nam còn xuất hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài không chính thống, trái pháp luật, rất rủi ro nhưng rất dễ thực hiện đối với lượng tiền lớn nên được nhiều người sử dụng. Ảnh minh họa 

Các doanh nhân có tiềm lực kinh tế thường chọn cách "công khai" này để mua bất động sản tại các nước phát triển. Bên cạnh đó, tại Việt Nam còn xuất hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài không chính thống, trái pháp luật, rất rủi ro nhưng rất dễ thực hiện đối với lượng tiền lớn nên được nhiều người sử dụng. Dịch vụ này thường có ở một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ không chính thống, bằng cách: khách hàng ở Việt Nam chuyển tiền cho họ, thì người nhà ở nước ngoài sẽ nhận được khoản tiền tương đương bằng USD ngay chỉ sau 1-2 tiếng qua một đối tác ở nước sở tại.

"Theo thông tin được biết thì dịch vụ này thường có mức phí khoảng 3%. Thông qua hình thức này, người muốn chuyển dòng tiền ra nước ngoài phải mất nhiều lần chuyển mới đủ tiền để mua bất động sản và rủi ro lớn dần theo lượng tiền người có nhu cầu chuyển ra nước ngoài, và không ít người đã mất trắng vì những dịch vụ chuyển tiền như vậy" - Luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, ngoài hai hình thức trên thì còn loại hình "rửa tiền" khác rất tinh vi, có thể chuyển số tiền lớn ra nước ngoài đó là thành lập một doanh nghiệp trong nước có chức năng xuất nhập khẩu. Kết hợp với dịch vụ chuyển tiền thuê tại Campuchia, một số nước Đông Âu, các "doanh nghiệp ma" này có thể hợp thức hóa "tiền bẩn" trong nước có được từ tham nhũng, hoạt động tội phạm thành dòng "tiền sạch" thông qua hoạt động "xuất nhập khẩu" có kê khai để đóng thuế.

Với phương thức này, mặc dù phải tốn rất nhiều chi phí để "rửa tiền" nhưng hoạt đồng này có thể hợp thức hóa và chuyển một lượng tiền rất lớn ra nước ngoài một cách tinh vi và dễ trót lọt. Đây là loại hình làm chảy máu ngoại tệ và làm cho nền kinh tế Việt Nam suy yếu. Chính vì vậy, Nhà nước ta cần hết sức lưu ý và kiểm soát loại hình tội phạm này. 

Chính sách ngoại hối có "lỗ hổng"?

Theo phân tích của Luật sư Lê Hồng Lam - Trưởng Nhóm nghiên cứu cải cách Thủ tục hành chính - Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh ngoại hối 2013; dưới đó là hàng loạt Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện... trong đó đều có những quy định cụ thể về yêu cầu điều kiện, cách thức thực hiện, hồ sơ tài liệu liên quan để quản lý hoạt động ngoại hối. Do vậy, theo quan điểm của tôi,  việc người Việt chuyển 3 tỷ đô ra nước ngoài (cụ thể ở đây là Hoa Kỳ) để mua bất động sản tại đây không có nghĩa là Pháp luật về ngoại hối của việt Nam có lỗ hổng. Bởi vì theo quy định tại Điều 7 nghị định Số: 70/2014/NĐ-CP, ngày 17 tháng 07 năm 2014 của chính phủ  QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI VÀ PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI thì:

Điều 7. Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài

1. Người cư trú là tổ chức được thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:

a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;

c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;

d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;

đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;

g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Theo luật sư Lê Hồng Lam, việc chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh chính thống của pháp luật về ngoại hối, pháp luật về đầu tư thì không có vấn đề gì. Vì chúng ta cũng phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Người nước ngoài mang ngoại tệ vào đầu tư ở nước ta thì chúng ta cũng có thể đầu tư ở nước ngoài để thu lợi nhuận. Miễn là mang ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ pháp luật về ngoại hối, đầu tư của Việt Nam.

Luật sư Lam đề xuất giải pháp để kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài trong các trường hợp này chỉ có thể bằng các giải pháp kinh tế và xã hội như: nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch hoá các chính sách kinh tế, thị trường mà cụ thể là thị trường bất động sản cũng như các nhóm giải pháp xã hội khác để biến Việt Nam thành một nơi đáng sống, hay nói cách khác là để người dân cảm nhận đi đâu sống cũng không bằng ở Việt Nam./.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-viet-chi-3-ty-do-mua-nha-o-my-chinh-sach-ngoai-hoi-co-lo-hong-a198071.html