+Aa-
    Zalo

    Nhiều tranh cãi xung quanh tỉnh Thừa Thiên – Huế gắn nhãn, logo cho bún bò Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các nhà quản lý cho rằng, việc gắn nhãn, logo sẽ giúp bảo vệ, quảng bá món bún bò Huế và thu hút được khách du lịch.

    (ĐSPL) - Các nhà quản lý cho rằng, việc gắn nhãn, logo sẽ giúp bảo vệ, quảng bá món bún bò Huế và thu hút được khách du lịch. Người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế thì khẳng định, đây là món ăn đặc biệt, chỉ ai tới Huế mới cảm nhận được hương vị riêng của nó. Chính vì vậy, việc gắn nhãn cho món ăn này là thừa.

    Một số quán bún bò Huế có tuổi đời hơn 20 năm ở Huế.

    Một văn bản gây nhiều tranh cãi…

    Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định số 1623 /QĐ-UBND ngày 13/7/2016 về việc ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế. Nhãn hiệu do UBND tỉnh thiết kế, đã được đăng ký bảo hộ, có logo nhận diện riêng. Những hàng quán bán bún bò Huế muốn sử dụng nhãn hiệu này phải đăng ký với hiệp hội Du lịch Thừa Thiên -Huế để được cấp giấy chứng nhận.

    Sau khi ban hành, có rất nhiều ý kiến trái chiều về văn bản nói trên. Không ít ý kiến bức xúc, họ đã kinh doanh bún bò Huế lâu rồi. Việc đăng ký nhãn hiệu này ở Huế là không đúng với hiện trạng thực tế. Bún bò ở Huế không bao giờ được gọi là Bún bò Huế mà chỉ gọi là bún bò và đặc trưng sợi bún lẫn thức ăn đều không giống với bún bò Huế ở Sài Gòn. Chỉ có ở Sài Gòn người ta bắt đầu định nghĩa Bún bò Huế (và từ đó lan ra cả nước).

    Chị Lê Thị Loan, chủ một quán bún bò Huế (đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế) chia sẻ: “Món bún bò Huế có thương hiệu hay nhãn hiệu gì thì tôi không biết, nhưng tại sao người ta lại ca ngợi bún bò Huế mà không phải vùng khác. Không phải ở đâu cũng có được món bún bò đúng cách thức chế biến, đúng vị như ở Huế từ sợi bún, rau sống...”.

    Cũng theo bà Loan, việc đăng ký nhãn hiệu cũng chỉ là để thể hiện cái nét đặc trưng của hương vị bún bò xứ Huế, còn bún bò thì nơi nào cũng có. Bún bò Huế cũng xuất hiện ở các tỉnh khác nhau trên đất nước nhưng ai đã một lần nếm thử bún bò xứ Huế thì mới hiểu hết được nét đặc trưng của món ăn đã gắn liền với cái tên của mảnh đất này.

    Đồng tình với ý kiến trên, bà Út (đường Thanh Hương), người có thâm niên bán bún bò Huế đã hơn 30 năm ý kiến: “Bún bò Huế là điều đặc biệt ở mảnh đất xứ Huế. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cũng không quá quan trọng. Vì cái tiếng Bún bò Huế đã có từ lâu nay, ai ai cũng biết tới rồi. Giờ lại “đẻ” thêm cái logo sẽ khiến khách du lịch đến TP.Huế dè chừng khi ăn món này. Bởi ở Việt Nam, cái gì người ta cũng làm giả được. Một cái logo thì ra chợ mua rồi về dán ở cửa hàng nhà mình. Liệu các cơ quan chức năng có khẳng định sẽ kiểm soát được hết không”.

    Tuy nhiên, cũng có không ít người đồng tình với việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gắn logo, đăng ký bảo hộ cho món bún bò Huế. Họ cho rằng, cần phải lập ra một thương hiệu cho bún bò Huế để có thể phát triển du lịch, cũng như thu hút khách du lịch ở nước ngoài. Mỗi khi họ đến Huế, thương hiệu đầu tiên họ muốn tìm là bún bò Huế và với vô số quán bún bò Huế như vậy, họ không thể tìm cho mình một quán “bún bò Huế” đúng tiêu chuẩn.

    Anh Nguyễn Xuân Bách, chủ tiệm Coffee Đội 6 (số 6 Lê Qúy Đôn, TP. Huế) chia sẻ: “Tôi đang dự tính đưa thêm món bún bò vào thực đơn của quán. Vì hầu hết khách du lịch tới đây đều muốn nếm hương vị bún bò Huế đạt chuẩn như cái tiếng họ đã được nghe. Và tôi nghĩ nhãn hiệu hay logo “Bún bò Huế” sẽ đến được tất cả mọi người trên thế giới này gắn liền với món ăn của mảnh đất xứ Huế”.

    Bún bò Huế chỉ độc quyền nhãn hiệu, logo

    Trả lời những câu hỏi xoay quanh những vấn đề phát sinh từ thương hiệu “Bún bò Huế”, đại diện của cơ quan quản lý thương hiệu này, ông Đinh Mạnh Thăng, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết: “Nhãn hiệu “Bún bò Huế” được xây dựng theo một tiêu chuẩn thương hiệu có logo riêng và có quy trình chế biến riêng. Theo quy định này, các tổ chức và cá nhân muốn cấp nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” thì phải đảm bảo điều kiện theo đúng quy chuẩn nguyên liệu, chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

    Tuy nhiên, ông Thăng cũng khẳng định, nếu ai muốn sử dụng logo của nhãn hiệu “Bún bò Huế” mới phải đăng ký và hoạt động theo tiêu chí quy chế ban hành. Còn những người bán bún, kinh doanh bún bò Huế bình thường, nếu không có nhu cầu sử dụng logo nhãn hiệu tập thể của UBND tỉnh thì vẫn hoạt động bình thường.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý, luật gia Hoàng Ngọc Thanh – Hội Luật gia Thừa Thiên - Huế nhận định: “Đứng về góc độ khoa học, về góc độ pháp luật và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng thì việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu cho Bún bò Huế là rất có lợi cho xã hội. Việc đăng ký và công bố quy chế quản lý về việc sử dụng nhãn hiệu bún bò Huế là cần thiết nhằm khẳng định nhãn hiệu bún bò Huế là nhãn hiệu tập thể chế biến sản xuất theo đúng quy chuẩn được pháp luật bảo hộ, tránh mất thương hiệu hàng hóa của địa phương.

    “Thực tế khách du lịch khi đến Sài Gòn, Đà Nẵng,.. hay cả Huế vào một quán bún bò Huế nhưng nhiều khi vẫn phân vân, không chắc đó có đúng là món bún bò Huế hay không. Việc được chứng nhận và sử dụng logo nhãn hiệu “Bún bò Huế” sẽ giúp người tiêu dùng có thể an tâm hơn trước sự lựa chọn của mình. Nhà hàng, quán ăn cũng xây dựng được uy tín, thương hiệu, thu hút được nhiều du khách”, ông Thanh cho biết.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề bản quyền thương hiệu “Bún bò Huế”, ông Trần Duy Chiến, Phó Giám đốc sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Ai cũng có quyền bán bún bò Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn xây dựng một thương hiệu bún đậm chất Huế, mang bản sắc văn hóa, không gian đặc trưng của Huế. Chỉ cấm việc sử dụng logo của UBND tỉnh đăng ký chứ không cấm việc sử dụng tên gọi “Bún bò Huế” vì đây đã trở thành sản phẩm chung của toàn quốc. Qua đó, vừa thúc đẩy phát triển hình ảnh, văn hóa Huế đến bạn bè quốc tế, vừa có thể mang đến những sản phẩm chất lượng, an toàn cho du khách và người dân”.

    Trả lời trên báo Vnexpress, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, quy định này không bắt buộc. Nếu cửa hàng muốn đăng ký bán bún bò Huế và cần có chứng nhận của một cơ quan sở hữu trí tuệ thì đăng ký để được cấp nhãn hiệu, còn không thì cứ "nấu và bán bình thường". Tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn bảo vệ nhãn hiệu cho món ăn đặc sản của địa phương, tránh việc các tổ chức khác ở nước ngoài đăng ký mất thương hiệu.

    ĐINH TIẾN

    Xem thêm : [mecloud]NHgqfWGKzl[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-tranh-cai-xung-quanh-tinh-thua-thien-hue-gan-nhan-logo-cho-bun-bo-hue-a143373.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khám phá sức mạnh của

    Khám phá sức mạnh của "pháo đài bay" B-52

    Máy bay B-52 được đánh giá là “pháo đài bay” khổng lồ, có uy lực rất lớn. Đây là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng...