+Aa-
    Zalo

    Phần Lan chính thức tuyên bố gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ trung lập

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau nhiều thập kỷ giữ tình trạng trung lập, mới đây chính phủ Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập NATO, bất chấp những lời cảnh báo hậu quả đến từ Nga.

    Ngày 15/5 (giờ địa phương), chính phủ Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Động thái này đồng nghĩa với việc Helsinki sẽ từ bỏ tình trạng trung lập, vốn được duy trì hàng thập kỷ từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2, bất chấp những lời cảnh báo đến từ Nga.

    Quyết định nộp đơn gia nhập NATO đã được công bố trong buổi họp báo chung giữa Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Thủ tướng Sanna Marin. Theo bà Marin, đề xuất gia nhập NATO sẽ cần được Quốc hội phê duyệt trước khi đơn xin gia nhập chính thức được đưa ra.

    Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Sanna Marin cho biết: "Tôi hy vọng Quốc hội sẽ phê duyệt quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Trong những ngày tới, đây sẽ là sự uỷ thác với Tổng thống nước Cộng hoà. Chúng tôi đã và đang giữ liên lạc với các nước NATO và chính khối này".

    phan lan gia nhap nato
    Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (phải) và Thủ tướng Sanna Marin chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: Getty 

    Động thái của Phần Lan đã mở rộng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tới sát biên giới với Nga bởi Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Sau khi chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, Helsinki sẽ phải đợi trong vài tháng hoặc có thể hơn 1 năm để các nước thành viên tiếp nhận và phê duyệt họ vào khối.

    Việc Phần Lan tuyên bố gia nhập NATO có thể sẽ khiến Nga tức giận. Trước đó, ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Phần Lan đã có cuộc điện đàm. Trong cuộc trao đổi, ông Putin đã nói rằng việc Phần Lan từ bỏ tình trạng trung lập sẽ là một quyết định "sai lầm" và khẳng định Nga không phải mối đe doạ về an ninh đối với nước láng giềng.

    Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Phần Lan đã không liên kết về quân sự với liên minh do Mỹ dẫn đầu và giữ tình trạng trung lập để tránh khiêu khích Nga. Ngoài ra, Phần Lan và Nga đã duy trì các mối quan hệ thương mại tốt đẹp trong nhiều thập kỷ. 

    Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến Phần Lan thay đổi thái độ. Trong cuộc điện đàm ngày 14/5, Tổng thống Niinistö đã nói rằng "những yêu cầu của Nga vào cuối năm 2021 nhằm ngăn các nước gia nhập NATO và hoạt động quân sự lớn của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã làm thay đổi môi trường an ninh của Phần Lan".

    Không chỉ Phần Lan, một quốc gia Bắc Âu trung lập khác là Thuỵ Điển cũng đã cân nhắc việc gia nhập NATO từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

    Trong đó, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều đã đáp ứng nhiều tiêu chí để trở thành thành viên NATO, bao gồm ột hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.

    Khi nhiều quốc gia NATO bao gồm Đức, Pháp và Mỹ đã bày tỏ sự chào đón đối với Thuỵ Điển và Phần Lan thì một quốc gia thành viên khác là Thổ Nhĩ Kỳ lại khá dè dặt với việc 2 nước này gia nhập khối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/5 nói rằng ông không nhìn nhận việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO theo hướng tích cực, đồng thời cáo buộc cả hai đất nước là nơi cư trú của các tổ chức "khủng bố người Kurd". 

    Trước tình hình này, tổng thống Phần Lan cho biết ông sẽ thảo luận trực tiếp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết những "hoài nghi" của ông về việc Helsinki gia nhập NATO.

    Ông thừa nhận rằng bất kỳ thành viên NATO nào cũng có thể "ngăn chặn tiến trình" gia nhập của 2 nước này, do đó điều "quan trọng" là phải duy trì "liên hệ tốt" với các nước. Đồng thời, ông Niinistö khẳng định Phần Lan muốn giữ hoà bình ở khu vực biên giới tiếp giáp với Nga.

    Minh Hạnh (Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-lan-chinh-thuc-tuyen-bo-gia-nhap-nato-sau-nhieu-thap-ky-trung-lap-a537683.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan