+Aa-
    Zalo

    Sủng ái mỹ nhân phải như vua Đường, nghĩ đủ cách để Dương Quý Phi đẫy đà giải nhiệt mùa hè

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong số tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại, Dương Quý Phi được biết đến là một sủng phi đẫy đà của Đường Huyền Tông.

    Trong số tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại, Dương Quý Phi được biết đến là một sủng phi đẫy đà của Đường Huyền Tông.

    Mối tình với cha chồng

    Lịch sử Trung Hoa tới nay vẫn ghi nhận về tứ đại mỹ nhân như những tường thành nhan sắc, trong đó có Dương Quý Phi. Nếu Tây Thi được miêu tả có vẻ đẹp Trầm Ngư (cá lặn), Vương Chiêu Quân khiến chim sa (Lạc Nhạn), Điêu Thuyền đẹp tới nỗi trăng cũng phải núp vào mây (Bế Nguyệt), thì Dương Quý Phi đẹp tới mức mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn (Tu Hoa).

    Dương Quý phi có thân hình tương đối mũm mĩm, nhưng đặt trong tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời nhà Đường, bà chính là mỹ nhân số một. Bà được mô tả là một mỹ nhân tuyệt thế, không chỉ vẻ ngoài xinh lộng lẫy mà còn có thể ca hát và khiêu vũ.

    Dương Ngọc Hoàn vốn là vợ của Thọ vương Lý Mạo, con trai Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng). Ngay từ lần đầu tiên gặp mỹ nhân này, Đường Huyền Tông đã lập tức động lòng.

    Hoàng đế lập tức triển khai kế hoạch cướp con dâu và sắp xếp cuộc hôn nhân khác cho con trai mình.

    Tháng 7 năm Thiên Bảo thứ 4 (tức năm 745), Thọ vương Lý Mạo thành thân với con gái của Vi Chiêu Huấn, người này trở thành kế phi của Thọ vương.

    Tháng 8 cùng năm, Hoàng đế lập Dương Ngọc Hoàn làm Quý phi, bà trở thành phi tần có địa vị cao nhất trong cung đồng thời là Thứ mẫu của Thọ vương. Lúc đó Dương Quý phi 27 tuổi còn Đường Huyền Tông đã 61 tuổi.

    Dương Quý Phi khiến vua Đường "chết mê chết mệt". (Ảnh minh họa)

    Kỳ thực, thứ mà nhà vua mê đắm ở vị mỹ nhân này không chỉ là dung mạo mỹ lệ mà còn bởi nàng sở hữu một tâm hồn trẻ trung và vui vẻ hiếm có.

    Cũng chính nhờ niềm vui chân chính từ các trò vui mà Ngọc Hoàn bày ra, vua Đường năm xưa từng nói một câu: "Trẫm có được Dương phi như có được báu vật, đó là chuyện vui vẻ nhất trong cuộc đời này của trẫm!".

    Dương Quý Phi được cưng chiều thế nào?

    Nói đến sự sủng ái của Đường Huyền Tông dành cho Dương Quý phi, dân gian còn lưu truyền giai thoại về thức quả "phi tử tiếu".

    Tương truyền rằng, năm xưa Dương Ngọc Hoàn rất thích quả lệ chi (quả vải). Để chiều lòng mỹ nhân, vua Đường đã hạ lệnh cho người phóng ngựa từ đất Lĩnh Nam xa xôi để đem về kinh thành.

    Trên con đường về kinh, cứ mỗi 5 dặm, 10 dặm lại đặt một trạm luân chuyển nhanh, theo đường thủy, đường bộ cứ thế luân phiên nhau mới có thể đem về những quả lệ chi tươi ngon nhất.

    Đây cũng chính là lý do vì sao ngoài cách gọi là "lệ chi", quả vải còn sở hữu một ngoại hiệu khác là "phi tử tiếu", ý chỉ thức quả đem đến nụ cười cho phi tử, mà người đó không ai khác ngoài Dương Quý Phi.

    Ảnh vẽ Dương Quý Phi.

    Trong quyển "Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự" có ghi chép: Dương Quý Phi đến tháng hè sẽ mặc thường y rất nhẹ và mỏng, cho tì nữ quạt mát liên tục. Vậy nhưng bà vẫn luôn cảm thấy rất nóng bức. Chính vì thế, Đường Huyền Tông đã nghĩ ra nhiều cách giúp sủng phi chống nóng.

    Mỗi khi đến mùa đông, dòng sông Vị Hà ở Bắc Giao, Trường An đều được phủ lên 1 lớp băng dày. Hoàng đế đã cho người đào lấy băng tại đây, tạo khối chữ nhật sau đó vận chuyển đến cất giữ tại một tầng hầm trong thành.

    Đáy hầm này được phủ lớp cỏ dày, những khối băng được sắp xếp ngay ngắn trên đó, cửa hầm bị niêm phong kín.

    Đến mùa hè họ chỉ cần mở cửa hầm, lấy băng ra và khắc trổ thành nhiều hình dạng khác nhau như phượng hoàng. Sau đó mang đặt tại giữa phòng của Dương Quý Phi để hạ nhiệt.

    Ngoài ra, Đường Huyền Tông vì Dương Quý phi mà cho người dựng những "lều mát" mái cao. Phần mái của chiếc lều bao phủ tất cả phòng ốc và sân, trong sân ngoài các khối băng sẽ đặt sẵn bàn ghế.

    Hoàng đế sau đó sẽ mời các danh kỹ trong thành đến hát cho sủng phi nghe. Thỉnh thoảng, ông cũng có mời một vài vương công đại thần đến cùng nghe hát.

    Tuy nhiên, "lều mát" này không thể ở vào ban đêm mà các khối băng không phải lúc nào cũng đặt ở đó.

    Dương Quý phi đã nghĩ ra một cách giải nhiệt khác. Theo "Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự", bà thường ngậm 1 viên ngọc nhỏ trong miệng với tác dụng làm mát cơ thể từ bên trong.

    Kết cục bi thảm

    Mải mê sủng ái Quý Phi nên mọi việc lớn nhỏ trong triều Đường Minh Hoàng đều giao cho anh họ Quý Phi là thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu. Cảnh lộng quyền loạn lạc khiến An Lộc Sơn đã dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi báu và người đẹp.

    Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi chạy sang Tứ Xuyên lánh nạn. Trước sự việc loạn lạc xảy ra, quân binh đều cho rằng, mối họa này tất cả là từ hồng nhan Dương Quý Phi. Chính vẻ đẹp của bà đã khiến vua bị mê hoặc, khiến ông bỏ bê việc triều chính. An Lộc Sơn cũng vì sắc đẹp của bà mà dấy binh tạo phản.

    Không thể chịu nổi sức ép đó, Đường Minh Hoàng đã cho xử tử Dương Quý Phi khi bà mới 38 tuổi. Xác của Quý phi sau đó chỉ chôn vội ven đường, binh lính cùng đoàn hành quân tiếp.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sung-ai-my-nhan-phai-nhu-vua-duong-nghi-du-cach-de-duong-quy-phi-day-da-giai-nhiet-mua-he-a326786.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan