+Aa-
    Zalo

    Suýt chết vì tự khoan hộp sọ để cấy điện cực vào não để kiểm soát giấc mơ

    (ĐS&PL) - Người đàn ông đến từ Novosibirsk, Nga đã suýt chết sau khi cố gắng tự phẫu thuật não bằng máy khoan cầm tay với mục đích kiểm soát giấc mơ.

    Theo đó, vào tháng 5/2023, nhà nghiên cứu người Nga, Mikhail Raduga đã tiến hành một thí nghiệm nhằm kiểm soát những giấc mơ sáng suốt của mình (lucid dream - những giấc mơ mà người ta biết mình đang mơ).

    Mikhail Raduga (40 tuổi) khá nổi tiếng ở Nga với tư cách là một nhà nghiên cứu và thử nghiệm giấc mơ. Ông đã đưa niềm đam mê của mình đi xa với ca phẫu thuật DIY (tự làm) tiềm ẩn rủi ro đến tính mạng.

    Mikhail (Michael) Raduga, đến từ vùng Novosibirsk của Nga, anh ta tự xưng là “nhà nghiên cứu và nhà thí nghiệm”. Trong một video lan truyền trên nền tảng truyền thông xã hội Nga, VK, ông đã cho người xem thấy hộp sọ bị tổn thương của mình do nỗ lực cấy chip vào não qua máy khoan, một thí nghiệm mà ông tự thực hiện trong phòng khách ngôi nhà ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan.

    Trong một đoạn video, Mikhail cho biết, ban đầu ông nghĩ đến việc nhờ một bác sĩ giải phẫu thần kinh trợ giúp về mặt chuyên môn cho ca phẫu thuật nhưng rồi lại từ bỏ ý định đó vì tính hợp pháp và những rủi ro liên quan đến hình sự. Thay vào đó, ông chuẩn bị cho cuộc thí nghiệm này cả năm trời, bằng cách xem rất nhiều video về các thủ thuật phẫu thuật thần kinh.

    Cuối cùng Mikhail quyết định tự làm mọi việc trong căn hộ của mình bằng một chiếc máy khoan mua ở cửa hàng kim khí.

    suyt chet vi tu khoan hop so de cay dien cuc vao nao nham kiem soat giac mo
    Sau khi tự khoan sọ  và cấy chip vào não người đàn ông phải đi đến bệnh viện tháo sau 5 tuần. Ảnh: Michael Raduga.

    Mikhail tiến hành ca phẫu thuật vào ngày 17/5 sau nhiều giờ nghiên cứu các video trên YouTube về phẫu thuật thần kinh và thử nghiệm trên 5 con cừu.

    Mikhail tưởng như đã bỏ cuộc sau 30 phút tiến hành cuộc phẫu thuật vì sợ bất tỉnh giữa chừng. Trong đoạn clip ghi lại ca phẫu thuật, người xem bị sốc khi thấy cảnh Mikhail dùng kẹp giấy kẹp da đầu lại để khâu và dùng máy khoan ở cửa hàng kim khí để thao tác ở phần sau của hộp sọ.

    Mikhail sống sót một cách thần kỳ. Tuy nhiên, ông cần được chăm sóc y tế 10 ngày sau đó và phải dùng kháng sinh mạnh trong 5 tuần. Ngoài ra, ông cũng bị mất việc làm trong sáu tháng.

    "Đừng lặp lại! Nó khó hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng. Một video dài 4 giờ về cuộc phẫu thuật chứng minh rõ ràng điều này” - Mikhail nói với những người theo dõi.

    Trong đoạn video khủng khiếp về ca phẫu thuật, có thể thấy Mikhail giữ lại phần da trên đầu bằng kẹp giấy và khoan vào phía sau hộp sọ.

    Sau đó, Mikhail tiến hành cấy ghép bạch kim và silicon vào não, thứ mà anh ta tuyên bố sẽ cho phép sử dụng điện để kích hoạt một số hành động nhất định trong giấc mơ.

    Tuy nhiên, 5 tuần sau ca phẫu thuật hỏng, Mikhail đã đến bệnh viện để loại bỏ con chip.

    “Tôi rất vui vì mình đã sống sót, thực tình tôi tưởng tôi đã chết” - Mikhail nói với Daily Mail vào cuối tuần qua, mặc dù vẫn khẳng định rằng: "Điện cực" có khả năng thay đổi tiến trình của những giấc mơ.

    Các nhà giải phẫu thần kinh chuyên nghiệp như Alex Green của Đại học Oxford đã chỉ trích những hành động “cực kỳ nguy hiểm” của Mikhail và cảnh báo rằng, những ca phẫu thuật như vậy chỉ nên được thực hiện bởi những chuyên gia có trình độ.

    Green nói với Daily Mail: “Tất cả các loại biến chứng phức tạp đều có thể xảy ra. Ví dụ, nếu anh ta gây chảy máu từ tĩnh mạch vỏ não hoặc mạch máu trong não, anh ta có thể bị đột quỵ dẫn đến suy nhược vĩnh viễn hoặc tử vong".

    Green đồng thời cho biết thêm rằng, Mikhail hiện có nguy cơ mắc chứng động kinh.

    Thí nghiệm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của Mikhail chưa được bình duyệt hoặc công bố trên bất kỳ tạp chí nào. Nó cũng không được xác nhận bởi bất kỳ trường đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu nào. Mikhail đã một mình làm tất cả.

    suyt chet vi tu khoan hop so de cay dien cuc vao nao nham kiem soat giac mo2
    Mikhail suýt chết sau khi tự thực hiện nghiên cứu của bản thân. Ảnh: Michael Raduga.

    Với thí nghiệm này, Mikhail muốn xem liệu có cách nào để con chip não của mình có thể giúp người bị liệt có được những trải nghiệm không thể tận hưởng trong cuộc sống thực thông qua giấc mơ sáng suốt hay không. Theo Mikhail, giấc mơ sáng suốt có thể cho phép bất kỳ ai tận hưởng hoặc trải nghiệm những điều không thể tiếp cận được thông qua sức mạnh của điện.

    Trung tâm Nghiên cứu Phase, được thành lập bởi Mikhail, chuyên nghiên cứu về các trạng thái “pha” – chủ yếu là những giấc mơ sáng suốt, trải nghiệm ngoài cơ thể, tê liệt khi ngủ (bóng đè), thức tỉnh giả... Các nhà khoa học của trung tâm tuyên bố tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu và mở các khóa học về cách trải nghiệm xuất hồn và mơ sáng suốt.

    Những người tham gia khóa học được yêu cầu cung cấp một kế hoạch hành động mà họ muốn đạt được trong giấc mơ sáng suốt, bao gồm gặp gỡ những người nổi tiếng, những người thân yêu, hiểu biết sâu sắc hoặc có khả năng chữa bệnh... Để trải nghiệm điều này, có những kỹ thuật và quy tắc trước khi chìm vào giấc ngủ, nhiều hành động khác nhau khi thức dậy... Trung tâm Nghiên cứu Giấc mơ của Mikhail tuyên bố sẽ giúp mọi người đạt được điều đó.

    Phương tiện truyền thông tin tức Phase Today đã đăng một bài báo về thí nghiệm của Mikhail và cách thức kích thích cảm giác có thể ảnh hưởng đến giấc mơ - như mùi, âm thanh, xúc giác…

    Theo đó, Mikhail Raduga và cộng sự đã nghĩ ra thí nghiệm cấy điện cực vào não mà họ khẳng định là một công cụ đáng tin cậy để kiểm soát giấc mơ. Nhưng thí nghiệm cần những người mơ sáng suốt thành thạo. Do đó, Mikhail đã quyết định tự mình thử nghiệm.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suyt-chet-vi-tu-khoan-hop-so-de-cay-dien-cuc-vao-nao-de-kiem-soat-giac-mo-a589742.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan