+Aa-
    Zalo

    Tết Thanh minh 2023 là ngày nào? Mâm lễ cúng Tết Thanh minh cần có những gì?

    (ĐS&PL) - Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15-16 ngày, trong đó ngày đầu tiên được gọi là Tết Thanh minh.

    Tết Thanh minh 2023 là ngày nào?

    Thanh minh là một từ Hán Việt, trong đó “thanh” là khí trong, còn ‘minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa tức là sang tiết Thanh minh.

    Thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm, gồm Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ,  Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn,  Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử,  Tiết Đại Thử,  Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ,  Tiết Thu Phân,Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết,  Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn.

    Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15-16 ngày, ngày đầu tiên được gọi là Tết Thanh minh.

    Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu thơ: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Câu thơ này khiến nhiều người nghĩ rằng Tiết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương.

    Năm 2023, Tết Thanh minh rơi vào ngày 5/4 dương lịch (tức ngày 15/2 âm lịch), sau khi kết thúc Tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4. Các giờ tốt trong ngày Tết Thanh minh 2023 gồm giờ Sửu (1-3h), giờ Thìn (7-9h), giờ Ngọ (11-13h), giờ Mùi (13-15h), giờ Tuất (19-21h) và giờ Hợi (21-23h).

    Tết Thanh minh gắn liền với đạo đức, bổn phận của con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, những người đi trước. Đây là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

    tet thanh minh 2023 la ngay nao mam le cung tet thanh minh can co nhung gi
    Người Việt thường cúng lễ tại 2 nơi là ngoài phần mộ tổ tiên và cúng gia tiên ở nhà vào ngày Tết Thanh minh. Ảnh minh họa

    Người xưa thường đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh vì thời tiết lúc này chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể khiến mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ và đắp thêm đất lên mộ.

    Theo tục lệ tảo mộ, người ta thắp nhang cho tổ tiên và cả những nấm mộ vô chủ, không người thăm viếng như để tỏ lòng thành kính với người đã mất. Khi đi tảo mộ, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, bởi vậy còn gọi là Đạp Thanh.

    Chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Thanh minh thế nào?

    Người Việt thường cúng lễ tại 2 nơi là ngoài phần mộ tổ tiên và cúng gia tiên ở nhà vào ngày Tết Thanh minh nên cần chuẩn bị 2 lễ cúng.

    Với lễ cúng khi đi tảo mộ, các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn. Các lễ vật gồm hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.

    Mâm cỗ chay sẽ có các món xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong. Ngoài những thứ này, mâm cỗ mặn có thêm rượu thịt, chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò.

    Trước khi đặt lễ vật cúng thanh minh, cần sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, đắp lại mộ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và cây hoang mọc trùm lên mộ.

    Sau khi cúng xong, đợt hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.

    Trong khi đó, lễ cúng tại nhà không quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục tập quán mỗi địa phương để chuẩn bị.

    Các gia đình có thể chuẩn bị mâm cúng Tết Thanh minh ở nhà với đầy đủ các món mặn như xôi, gà luộc, giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào…, cùng một số lễ vật khác như hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã.

    Một số gia đình không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh mà chỉ thắp hương với hoa và quả tươi, trà, bánh kẹo... để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.

    Tương tự như khi cúng ngoài phần mộ tổ tiên, gia đình chú ý dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết, có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.

    Một số lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh

    - Không nên đi vào những nơi hẻo lánh để tránh nguy hiểm, tốt nhất là đi theo lối mòn mà người đi trước để lại.

    - Không nên giẫm đạp, đá đồ cúng khi đi ngang mộ phần người khác vì điều này sẽ mang đến vận xui.

    - Phụ nữ đang trong kỳ hành kinh, phụ nữ mang thai, người bị phong hàn thấp khớp không nên đi tảo mộ do ở đây khí lạnh, có năng lượng xấu.

    - Hạn chế chụp ảnh tại khu vực nghĩa trang.

    - Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, nên thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Khi dọn dẹp mộ phần, nên dọn sạch sẽ trước sau và kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong.

    - Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác để bày tỏ sự tôn trọng với người đã khuất và tránh rước điều xui rủi vào mình.

    - Người sức khỏe yếu khi trở về nhà nên bước qua chậu than hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi khí độc.

    * Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-thanh-minh-2023-la-ngay-nao-mam-le-cung-tet-thanh-minh-can-co-nhung-gi-a571093.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan