+Aa-
    Zalo

    Thời gian xét xử phúc thẩm "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành

    (ĐS&PL) - Dự kiến, ngày 26/3 tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm 13 bị cáo, trong đó có "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng.

    Ngày 20/3, báo VietNamnet dẫn thông tin từ quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội, dự kiến ngày 26/3 tới, vụ “siêu lừa” chiếm đoạt hàng trăm tỷ của ngân hàng sẽ được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

    TAND Cấp cao đánh giá đây là vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á.

    Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác. Phía bị hại là Ngân hàng PVcombank, Ngân hàng NCB, Ngân hàng Việt Á (viết tắt là VAB). Một số cá nhân khác cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.

    Dự kiến, phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong 4 ngày, dưới sự điều hành của chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Thế Lệ.

    thoi gian xet xu phuc tham sieu lua nguyen thi ha thanh dspl 1
    Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (áo nâu). Ảnh: VietNamnet

    Trước đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội lên lịch xét xử vụ án này vào ngày 24/1. Tuy nhiên, trước ngày xét xử, Tòa nhận được đơn xin hoãn của các bị cáo Lê Thị Hiên (giao dịch viên VietABank), Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcombank), Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) với lý do bị ốm.

    Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa.

    Theo tờ An ninh Thủ đô, cấp sơ thẩm TAND TP.Hà Nội trước đó đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Các bị cáo còn lại kháng cáo gồm: Nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1983, Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô VAB, án sơ thẩm 18 năm tù); Nguyễn Thanh Bình (SN 1984, án sơ thẩm 6 năm tù); Nguyễn Mai Phương (SN 1981, kiểm sát viên VAB, án sơ thẩm 14 năm tù); Đặng Thị Quỳnh Hương (SN 1981, Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô VAB, án sơ thẩm 10 năm tù).

    Ngoài ra, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương còn lĩnh 7 năm tù tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

    Nhóm bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng kháng cáo có Bùi Văn Tuấn (SN 1992, cựu cán bộ PVCombank); Trần Thị Hoa (SN 1981, cựu Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội); Nguyễn Hồng Trung (SN 1983, chuyên viên cao cấp Bộ phận Quan hệ khách hàng của NCB) cùng phải nhận 5 năm tù án sơ thẩm.

    Bị cáo Nguyễn Hồng Trung còn bị xử phạt 12 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; bị cáo Lê Thị Hiên (SN 1966, án sơ thẩm 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo).

    Nhóm bị cáo phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự kháng cáo là Triệu Đình Hoan (SN 1979), Nguyễn Thị Là (SN 1983), Triệu Thị Hạnh (SN 1985), Nguyễn Giang Hòa (SN 1964) nhận án sơ thẩm từ 15 tháng tù cho hưởng án treo - 30 tháng tù.

    Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Nguyễn Thị Hà Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân. Do không có tài sản đảm bảo nên Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh…

    Có 17 cựu cán bộ Ngân hàng Quốc dân - NCB, Ngân hàng Việt Á - VAB và Ngân hàng PVcombank "tiếp tay" cho “siêu lừa” Hà Thành. Thành đã giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng. Cơ quan tố tụng xác định, Thành gây ra 26 vụ lừa đảo ngân hàng và các cá nhân.

    Số tiền Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng; PVCombank là 49,4 tỷ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỷ đồng. Thành sử dụng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ làm rõ được khoản tiền 10 tỷ đồng Thành mua cổ phần.

    Theo tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương đồng phạm với Thành gây ra 21 vụ lừa đảo, Quản Trọng Đức thực hiện 21 vụ, Nguyễn Mai Phương thực hiện 21 vụ, Nguyễn Thanh Tùng gây ra 14 vụ…

    Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc Nguyễn Thị Hà Thành phải trả lại cho NCB 47,5 tỷ đồng; PVCombank 49,5 tỷ đồng, VAB 274 tỷ đồng và các cá nhân khác. Toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn tại 3 ngân hàng này bị giữ lại để đảm bảo thi hành án về phần trách nhiệm dân sự của Thành (khoản 122 tỷ đồng).

    Tòa tuyên tạm giao cho các ngân hàng tạm giữ các sổ tiết kiệm cho đến khi thi hành án. Đồng thời, tòa cũng giành quyền khởi kiện cho ông Toàn với Thành bằng vụ kiện dân sự khác. Một số đồng sở hữu khác cũng có quyết định tương tự. Có 3 cá nhân là được trả lại sổ tiết kiệm do tiền gửi không liên quan đến hành vi của Thành, hoặc khoản vay đã được tất toán xong.

    Thủy Tiên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-gian-xet-xu-phuc-tham-sieu-lua-nguyen-thi-ha-thanh-a615186.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan