+Aa-
    Zalo

    Tỷ lệ sinh giảm mạnh, Nhật Bản bỏ hoang gần 10 triệu ngôi nhà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, cả nước hiện có 8,46 triệu ngôi nhà bỏ hoang, chiếm 13,6% tổng số nhà ở của đất nước mặt trời mọc.

    Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, cả nước hiện có 8,46 triệu ngôi nhà bỏ hoang, chiếm 13,6% tổng số nhà ở của đất nước mặt trời mọc.

    Hiện trạng nhà bị bỏ hoang nhiều ở nông thôn

    Khi Mitsue Nagasaku còn là một đứa trẻ, ba ngôi nhà nhỏ trước cửa nhà cha mẹ cô tại quận Negishi, thành phố Yokohama đều có người sống. Cô thường có thể trông thấy chủ ngôi nhà lớn nhất chăm sóc cây cối trong vườn.

    Con số mới nhất cho thấy bất động sản bỏ không chiếm đến 13,6% tổng số nhà ở của Nhật Bản. Ảnh: Julian Ryall

    Một thập kỷ trước, người cuối cùng trong số 3 chủ nhà hàng xóm đã qua đời và kể từ đó cả 3 ngôi nhà đều để không, mặc dù chúng tọa lạc trong một quận khá sầm uất, nơi có tuyến đường sắt chạy thẳng đến trung tâm Tokyo.

    Trong khi những ngôi nhà cũ khác đã bị đập đi xây mới thì 3 ngôi nhà cũ này dần rơi vào tình trạng xuống cấp. Dây leo dại phủ kín những cửa sổ cáu bẩn, các tấm lợp kim loại lỏng ra và những hộp thư gỉ sét từ lâu chẳng còn được người đưa thư ngó ngàng đến.

    Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, hiện có 8,46 triệu ngôi nhà, chiếm 13,6% tổng số nhà ở, bỏ không trên cả nước, nhiều hơn khoảng 260.000 so với cuộc khảo sát trước đây được thực hiện vào năm 2013.

    Một ngôi nhà trong số 3,47 triệu bất động sản đã bị bỏ hoang. Ảnh: Julian Ryall

    Trong số đó, có 4,99 triệu tài sản vẫn được đăng ký với chính quyền địa phương làm nơi cư trú và chủ sở hữu cho biết họ có kế hoạch tái sửa chữa hoặc sẽ sớm rao bán. Nhưng 3,47 triệu ngôi nhà thì bị bỏ hoang và con số đó đã tăng thêm 9,7% kể từ nghiên cứu được thực hiện trước đó.

    Nguyên nhân tình trạng nhiều nhà bị bỏ hoang

    "Những bất động sản bị bỏ hoang này phần lớn nằm ở các vùng nông thôn, nơi đã phải chứng kiến ​​sự di cư lao động quy mô lớn đến các thành phố trong vài thập kỷ qua, khi mọi người tìm kiếm một cơ hội làm việc tốt hơn và sáng lạn hơn. Khi cha mẹ họ hoặc người thân mất do tuổi cao, ngôi nhà liền bị bỏ trống", ông Adam German, phó chủ tịch phát triển kinh doanh của công ty bất động sản có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản nói.

    Khi trường hợp này xảy ra, thường có hai tình huống. Một là không có con cháu nào muốn ở ngôi nhà cũ nên nó bị để không và nhanh chóng xuống cấp. Hai là có sự không nhất trí giữa các con cháu về việc ai nên kế thừa hay ngôi nhà được chia đều cho những người kế. Họ không đạt được thỏa thuận nhất trí về việc nên bán hay giữ lại do đó ngôi nhà bị bỏ không.

    German cho biết thêm, luật thừa kế phức tạp và rắc rối của Nhật Bản về việc thừa kế cũng như thuế đánh vào tài sản được kế thừa cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này tăng lên.

    Hầu hết người dân Nhật Bản đang chọn sống ở thành phố. Ảnh: Bloomberg

    Trong một số trường hợp khác, người đã mất không có người thân thích nên không có cách nào để chuyển tài sản hoặc đất đai cho bất kỳ ai khác. Thế là ngôi nhà bị bỏ không trong tình trạng lấp lửng vì chính quyền địa phương không có quyền bán hay dùng chúng cho mục đích khác.

    Dân số đang giảm dần của Nhật Bản khiến việc mua sắm bất động sản, điều mà những thế hệ trước coi là mục tiêu chính, trở nên ít được coi trọng hơn, trường hợp các ngôi nhà ở quận Negishi ở trên.

    Nhật Bản hiện có dân số 126 triệu người, nhưng con số này đang suy giảm và dự kiến ​​sẽ chỉ còn 88 triệu người vào năm 2065. Đại đa số người dân sẽ chọn sống ở các thành phố và những ngôi nhà trống sẽ càng ngày càng trở nên nhiều hơn ở khu vực ngoại ô.

    "Không cần phải đi quá xa, ngay tại phía nam thành phố Yokohama hay một phần của quận Saitama ở phía bắc Tokyo, người ta đều có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề này. Nguyên nhân chính không phải do khoảng cách xa khiến việc đi lại không thoải mái mà do người dân giờ hầu như ít kết hôn và sinh con", German nói.

    Thay vì sống trong những ngôi nhà ở vùng ngoại ô cùng với gia đình, giờ người dân sống độc thân và thuê căn hộ một phòng tại các quận trung tâm gần nơi họ làm việc.

    Giải pháp giải quyết nhà bỏ hoang

    Tại Tokyo, trung bình có 37.500 người trên mỗi dặm vuông - một trong những đô thị có mật độ dân cao nhất thế giới. Ngay chính phủ cuối cùng cũng nhận thấy rằng cần phải làm gì đó để đảm bảo nông thôn của đất nước này không bị cộng đồng cư dân từ bỏ.

    Tháng 12/2018, nhà chức trách đã công bố kế hoạch trợ cấp lên tới 3 triệu yên (27.400 USD) cho bất kỳ ai đồng ý chuyển từ thành phố chật chội đến sống tại một ngôi nhà ở nông thôn. Khoản tài trợ được tính toán để giúp họ trang trải chi phí chuyển và sửa chữa nhà cũng như tìm việc làm mới hoặc thành lập công ty.

    Một số người thậm chí có thể chọn đầu tư số tiền trên để mua một ngôi nhà cũ đã xuống cấp, cải tạo và sửa chữa để biến nó trở thành một ngôi nhà tiện nghi cho gia đình.

    Nagasaku hy vọng những căn nhà vô chủ trên phố của cô cũng sẽ nhận được sự đối xử đồng dạng: "Các ngôi nhà này hiện đã rất nguy hiểm vì có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Sẽ rất tuyệt nếu chủ sở hữu để tâm đến vì nó khiến cho cảnh quan trở nên xấu xí. Nhưng tôi thấy điều này có vẻ khó khăn vì đã quá lâu rồi. Có lẽ họ đã quên về sự tồn tại của ngôi nhà."

    Minh Minh(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ty-le-sinh-giam-manh-nhat-ban-bo-hoang-gan-10-trieu-ngoi-nha-a275491.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan