+Aa-
    Zalo

    Vén màn bí mật của bãi đá cổ Stonehenge

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vòng tròn đá Stonehenge kỳ bí nổi tiếng ở Anh khiến nhiều nhà khoa học đau đầu tìm lời giải suốt nhiều năm.

    Bãi đá cổ Stonehenge là một trong những điểm đến bí ẩn nhất trên hành tinh, đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thích ai tạo ra tảng đá khổng lồ đó và mục đích để làm gì. Theo thông tin từ những phân tích của các chuyên gia đến từ đại học Oxford, Anh, phần nào hé lộ thêm những bí ẩn chưa được giải đáp về nơi này.

    bai da co 1
    Cho đến nay nhiều bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge ở Anh vẫn chưa được giải mã.

    Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện 25 hộp sọ người từ thời đồ đá được chôn cất tại khu vực bãi đá cổ cách đây hơn 5000 năm. Từ những điều này giúp giới chuyên gia tin rằng, rất có thể họ chính là người xứ Wales giúp vận chuyển những khối đá khổng lồ nặng hàng chục tấn để xây dựng Stonehenge.

    Theo giới chuyên gia, 10 trong số 25 hộp sọ người được tìm thấy ở Stonehenge thuộc về "những người từ miền tây nước Anh". Rất có thể đó là người xứ Wales.

    Được biết, bãi đá cổ Stonehenge được xây trong nhiều giai đoạn, hoàn thành khoảng 3500 năm về trước.

    Các nhà nghiên cứu đến từ trường Oxford đã kiểm tra đo đồng vị strontium trong xương hỏa táng được chôn cất tại vị trí khoảng từ năm 3180 đến 2380 trước công nguyên. Qua đó, họ tìm thấy hóa chất trong phần còn lại phù hợp với "người đến từ miền tây nước Anh", một khu vực bao gồm miền tây xứ Wales.

    Phần lớn các di vật của người tiền sử phát hiện tại khu vực này đều được hỏa táng. Do vậy, nhóm nghiên cứu khó có thể trích xuất nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Snoeck, người tham gia trong nhóm nghiên cứu, đã chứng minh nhìn vào thành phần đồng vị strontium trong xương hỏa táng có thể tiết lộ về cuộc sống và nơi cư trú người tiền sử từng ở.

    "Các đồng vị strontium đo được trong xương cho thấy nguồn thực phẩm ăn, đặc biệt là cây trồng. Kết quả chúng tôi đo được từ một số xương hỏa táng ở Stonehenge phù hợp với những phân tích từ xứ Wales", Tiến sỹ Snoeck khẳng định.

    bai da co 2
    Bãi đá Stonehenge

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Newcastle, họ cho rằng mỡ lợn đã được sử dụng để bôi trơn những chiếc xe trượt gỗ khổng lồ để kéo những viên đá của Stonehenge vào vị trí.

    Trước đây, các nhà khảo cổ học vốn tin rằng dư lượng chất béo trên các mảnh gốm được tìm thấy tại địa điểm Durrington Walls, gần Stonehenge, được cho là có liên quan đến nguồn thực phẩn nuôi sống những nhân công xây dựng tượng đài.

    Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của mình, tiến sĩ Lisa - Marie Shillito, Giảng viên cao cấp về Khảo cổ học, Đại học Newcastle ( nước Anh), cho biết:

    "Tôi quan tâm đến việc có rất nhiều chất béo dính trên các mảnh gốm và được bảo quản trong điều kiện tốt. Tôi muốn biết thêm về lý do tại sao lượng mỡ lợn lại nhiều như vậy. Các mảnh xương khai quật được tại đây cho thấy, nhiều con lợn bị xiên và nướng thay vì chặt ra như cách thường làm nếu nấu trong nồi".

    Sau khi phân tích lại các bình gốm mà các nhà nghiên cứu trước đó tin rằng đã được sử dụng để nấu thức ăn, tiến sĩ Lisa-Marie Shillito đã kết luận rằng nhiều nồi trong số đó có thể đã được sử dụng để thu thập chất béo chảy ra từ lợn khi chúng được mổ, sau đó mỡ sẽ được lưu trữ dưới dạng mỡ hoặc mỡ động vật và được sử dụng để bôi trơn những chiếc xe kéo mà hầu hết các nhà khảo cổ tin rằng được sử dụng để di chuyển những khối đá.

    “Đến nay, giới khoa học chủ yếu cho rằng vết mỡ động vật trong các mảnh gốm liên quan đến việc nấu nướng và ăn uống. Điều đó khiến nhiều nhận định ban đầu bị lái theo hướng trên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ và những dấu vết này có thể gợi ra bằng chứng cho giả thuyết dùng mỡ bôi trơn xe trượt”, tiến sĩ Shillito cho biết.

    Lý thuyết vận chuyển bằng xe trượt có chất nhờn cũng đã được củng cổ từ những nghiên cứu việc xây dựng các công trình từ các nền văn minh khác phát triển độc lập. Các mô tả từ vùng Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại cũng cho thấy các công nhân rất có thể đã sử dụng chất bôi trơn lỏng như mỡ động vật để di chuyển các khối đá lớn.

    Bãi đá cổ Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng, gần Amesbury, Anh. Công trình bao gồm các công sự bằng đất bao quanh một vòng đá, là một trong những điểm đến tiền sử nổi tiếng thế giới. Các nhà khảo cổ cho rằng, các cột đá được dựng lên khoảng 2500-2000 trước công nguyên, dù các vòng đất xung quanh được dựng sớm hơn, khoảng 3100 năm trước công nguyên.

    Bãi đá được tạo nên bởi quần thể công trình với 30 khối đá, mỗi khối nặng chừng 25 tấn, và 5 tảng đá lớn với trọng lượng lên đến 50 tấn.

    Hiện tại, bãi đá cổ Stonehenge vẫn là một trong những điểm du lịch hút khách tại Anh. Khu vực này và những vùng xung quanh đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1986.

    Linh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ven-man-bi-mat-cua-bai-da-co-stonehenge-a574403.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan