+Aa-
    Zalo

    CNN: Triều Tiên muốn sở hữu vũ khí hạt nhân vì lo ngại bị tấn công như Syria

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một bài bình luận trên CNN cho hay, dường như Triều Tiên muốn nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân vì Bình Nhưỡng lo ngại bị tấn công, như cách mà Mỹ làm với Syria.

    Một bài bình luận trên CNN cho hay, dường như Triều Tiên muốn nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân vì Bình Nhưỡng lo ngại bị tấn công, như cách mà Mỹ làm với Syria.

    Triều Tiên sợ bị tấn công

    Tối 13/4 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ra lệnh cho lực lượng Mỹ tấn công vào Syria nhằm đáp trả cáo buộc lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn sử dụng vũ khí hóa học.

    Tuy nhiên, cuộc tấn công chống lại chính phủ ông Bashar al-Assad - một đồng minh lâu đời của Triều Tiên - có thể làm phức tạp kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của ông Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6.

    "Đây là một trong những lý do tại sao Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân", Rodger Baker, Phó phòng phân tích chiến lược của công ty tình báo toàn cầu Stratfor nói với CNN. "Họ nhận thức được rằng sở hữu vũ khí hạt nhân giúp làm giảm khả năng xảy ra những cuộc không kích như biện pháp trừng phạt".

    Chính phủ ông Kim Jong-un tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân là để tự vệ. Ảnh: Getty

    Trước đây, Bình Nhưỡng liên tục chỉ ra các can thiệp quân sự của Mỹ trên khắp thế giới như là một minh chứng cho chương trình hạt nhân của mình. Triều Tiên xem đó là một yếu tố quan trọng, ngăn cản bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào do Washington đứng ra hoặc dẫn dắt.

    Theo Dan Coats, giám đốc của Tình báo Quốc gia Mỹ, ông Kim coi vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho "sự sống còn của chính phủ Triều Tiên".

    "Ông ấy đã theo dõi những gì xảy ra trên khắp thế giới, liên quan đến các quốc gia có năng lực hạt nhân và đòn bẩy của họ rồi thấy rằng có tấm thẻ vũ khí hạt nhân trong túi thì có thể ngăn chặn nhiều mối nguy", ông Coats nói tại một sự kiện năm 2017.

    Bài học từ lịch sử

    Vào tháng 12/2003, sau nhiều tháng đàm phán với Mỹ, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đã đồng ý dừng các chương trình vũ khí hạt nhân, hoá học và sinh học. Tổng thống Mỹ George W. Bush lúc bấy giờ hoan nghênh Libya trở lại "cộng đồng các quốc gia", và Thủ tướng Anh Tony Blair đã viếng thăm Tripoli vào năm sau khi ông Gadhafi được coi là một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

    Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, London và Washington đã không còn ủng hộ ông Gadhafi, thậm chí NATO cũng can thiệp, ủng hộ hành động lật đổ vị lãnh đạo này. Trong vài tháng, ông Gadhafi đã qua đời.

    Một số chính trị gia Ukraine cũng tuyên bố rằng nếu nước này không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hậu Xô Viết, Nga sẽ không sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn bác bỏ những lời kêu gọi xây dựng Kiev trở thành một cường quốc hạt nhân.

    Ông Coats cho biết: "Những bài học mà chúng ta đã học được từ Libya và Ukraine cho thấy từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều đáng tiếc".

    Triều Tiên có tên lửa đủ khả năng bắn tới toàn bộ lục địa Mỹ. Ảnh: Youtube

    Một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết vào năm 2011 rằng chiến dịch ném bom của NATO chống lại Libya đã dạy "một bài học quan trọng", rằng "người ta nên có quyền bảo vệ hòa bình". Kể từ khi ông Kim Jong-un nên nắm quyền năm đó, Triều Tiên đã tăng cường thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, và vào tháng 11/2017, Bình Nhưỡng đã ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới (ICBM) có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.

    "Thật khó để nói to, bởi vì mọi người nói rằng bạn đang biện minh cho hành vi tồi tệ của Triều Tiên", ông Rodger Baker của Stratfor nói. "Nhưng Libya là một trường hợp vì các hứa hẹn của Mỹ chỉ có tính tạm thời".

    Một ví dụ khác thường được trích dẫn là sự chỉ trích của chính quyền Tổng thống Donald Trump và việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran đạt được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

    Vào năm 2015, Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân vì hòa bình để đổi lấy việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt, nhưng ông Trump cho rằng thỏa thuận này chứa đựng "những sai sót thảm họa" và đe dọa sẽ phế bỏ nó nếu Iran tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo không nằm trong thỏa thuận ban đầu.

    Bế tắc phi hạt nhân hóa

    Đàm phán giữa 2 vị lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể chấm dứt vì vụ tấn công Syria của Mỹ. Ảnh: Express

    "Syria là một trong những nghiên cứu tình huống mà người Triều Tiên sẽ sử dụng trong bài diễn văn của họ với Mỹ", ông Baker nói. "Bảo đảm an ninh chính xác là gì?".

    Những mối quan tâm của Triều Tiên về việc phải chịu số phận tương tự như Syria hay Libya nói đến một điểm gắn kết tiềm năng lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ: cả hai bên đều có nghĩa là "phi hạt nhân hóa".

    Washington đã kêu gọi "phi hạt nhân hoá" bán đảo Triều Tiên, và trong khi Bình Nhưỡng nhất trí với mục đích này trên nguyên tắc, họ coi cam kết của Washington bằng không khi Mỹ tiếp tục duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Hàn Quốc.

    Từ năm 1953 tới nay, Mỹ luôn cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân nếu cần. Điều này gần như xảy ra vào cuối những năm 1960, giữa lúc có cuộc khủng hoảng vì Triều Tiên bắt giữ tàu tuần dương của USS Pueblo.

    Trong một bài bình luận hồi tháng 3/2018 , Cơ quan Thông tin Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Mỹ "đã đe doạ hạt nhân và tống tiền Triều Tiên trong nhiều thập niên". "Hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á và phần còn lại của thế giới đã được đảm bảo chắc chắn bởi sự hỗ trợ của Triều Tiên trong việc ngăn chặn hạt nhân", KCNA cho biết.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cnn-trieu-tien-muon-so-huu-vu-khi-hat-nhan-vi-lo-ngai-bi-tan-cong-nhu-syria-a226148.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan